Tầm soát ung thư Gan

Tầm soát ung thư gan

Ung thư Gan là bệnh lý ác tính xuất phát từ sự tổn thương của các tế bào trong gan. Căn bệnh bắt đầu khi các tế bào gan phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát và lấn át cả những tế bào bình thường. Những hoạt động vượt ngoài kiểm soát kể trên làm rối loạn chức năng của gan, gây ra những bất thường chức năng gan. Các tế bào bất thường kể trên không chỉ hủy hoại gan mà nguy hiểm hơn còn có khả năng cao di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và làm ảnh hưởng xấu tới chức năng, hoạt động của các cơ quan đó. 

Dựa theo nguồn gốc phát bệnh, ung thư gan được phân làm 2 loại: Ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát có thể chia ra thành các loại như Ung thư biểu mô tế bào (Ung thư gan HCC), Ung thư biểu mô đường mật (Ung thư ống mật), Ung thư nguyên bào gan, ung thư mạch máu sarcoma gan. Ung thư gan thứ phát là ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể di căn sang gan (ví dụ như ung thư của tụy, đại tràng, dạ dày, vú và phổi). 

Ở Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có khoảng 22.000 người tử vong vì ung thư gan. Nghiêm trọng hơn nữa, nước ta đang được xác định là một trong những quốc gia có số người mắc ung thư gan cao nhất thế giới. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23.2 người mắc ung thư gan. Tiến hành tầm soát ung thư gan là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Việc tầm soát ung thư gan sẽ giúp tìm ra các tế bào ung thư hoặc tế bào bất thường có thể trở thành ung thư và điều trị trước khi chúng phát triển thành bệnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan:

Trên toàn thế giới, virus Viêm gan B (HBV) được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và làm tử vong do ung thư gan (HCC)

Các nhà khoa học chia các yếu tố gây ra tình trạng ung thư gan thành các loại như sau:

  • Nhiễm Virus viêm gan: Nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh ung thư gan (HCC) là sự nhiễm virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV).
  • Xơ gan do rượu
  • Các bệnh liên quan tới chuyển hóa: Thừa cân béo phì, tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (NAFLD) và gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác.
  • Một số trường hợp mắc ung thư gan không rõ nguyên nhân hoặc không có yếu tố nguy cơ.

 Các phương pháp tầm soát ung thư gan:

Tầm soát ung thư gan định kỳ có thể được thực hiện thông qua một số các biện pháp sàng lọc đơn giản như: 

  • Siêu âm

Siêu âm thường là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng hiện tại của gan vì sự tiện dụng và đơn giản của phương pháp. Phương pháp siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh hiển thị trên màn hình video. Các bác sĩ có thể quan sát toàn bộ hình ảnh về gan của bệnh nhân, từ đó phát hiện sớm và chính xác những bất thường bên trong cũng như những dấu hiệu ban đầu cảnh báo ung thư gan. Thậm chí phương pháp trên cũng cho phép phát hiện các khối u có kích thước chỉ 1cm hoặc hơn. 

  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT)

Phương pháp chụp CT sử dụng tia X chiếu từ nhiều góc độ khác nhau nhằm giúp thu được hình ảnh cắt ngang của gan. Việc chụp CT cho biết các thông số cụ thể như kích thước, hình dạng và vị trí của các khối u trong gan cũng như các mạch máu xung quanh. Mức độ chính xác của chụp CT được đánh giá cao hơn siêu âm. Trong một số trường hợp cụ thể, để hình ảnh quan sát có thể rõ nét hơn, bác sĩ có thể tiêm thêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch bệnh nhân trước khi chụp.

Ngoài việc xác định các khối u đang có trong người bệnh nhân, chụp CT cũng cho biết chính xác vị trí các khối u nghi ngờ ung thư để phục vụ cho việc tiến hành sinh thiết mô gan về sau được dễ dàng, hiệu quả (kỹ thuật sinh thiết dưới hướng dẫn của chụp CT).

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Cũng gần tượng tự như việc chụp CT, chụp cộng hưởng từ giúp cung cấp hình ảnh chi tiết của các mô mềm bên trong cơ thể. Điểm khác biệt là so với sử dụng tia X của chụp CT, chụp MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh. Các u gan rất nhỏ cũng có thể được phát hiện từ phương pháp này. Chụp cộng hưởng từ được thực hiện khi siêu âm nghi ngờ có khối u nhỏ nhưng chụp CT lại không phát hiện ra khối u đó. 

  • Xét nghiệm định lượng alpha-fetoprotein(AFP) trong máu (Dấu ấn sinh học)

Xét nghiệm AFP là một trong những dấu ấn sinh học nắm vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tầm soát ung thư gan.

AFP là chất chỉ điểm khối u đang được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình tầm soát ung thư gan. AFP là một dạng protein huyết tương chủ yếu được sinh ra từ túi noãn túi noãn hoàn và gan trong quá trình phát triển của thai nhi. Khi thai nhi còn trong bọc, nồng độ AFP trong máu thường ở mức cao và giảm xuống mức thấp khi thai nhi ra đời. Với người lớn, nồng độ AFP cao gần như đồng nghĩa với dấu hiệu xuất hiện của bệnh gan, ung thư gan hoặc một dạng ung thư khác. 

Tuy vậy, việc AFP tăng cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc mắc ung thư gan. Trên thực tế, có một số lượng lớn bệnh nhân mắc ung thư gan lại có mức AFP bình thường ở giai đoạn đầu. Trong trường hợp này, các bác sĩ cần tiến hành thêm các xét nghiệm bổ trợ để xác định xem có các khối u bất thường ở gan hay không ,rồi sau đó mới có thể đưa ra kết luận về việc liệu người bệnh có mắc ung thư gan hay không.

  • Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là kỹ thuật y khoa lấy mẫu mô hoặc mẫu tế bào gan và tiến hành quan sát chúng dưới kính hiển vi nhằm phát hiện ra những bất thường ở tế bào gan. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi để lấy các mẫu tế bào gan. Trong trường hợp nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm xét nghiệm chuyên sâu là sinh thiết gan.