Bệnh lý về cơ xương khớp

Bệnh lý về cơ xương khớp đang dần trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa dần khi số lượng người trẻ mắc bệnh đang tăng lên từng ngày, đặc biệt là đối tượng làm việc văn phòng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới xương khớp ngày càng gia tăng với một tốc độ chóng mặt; trong khi WHO xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.

Các bệnh lý về xương khớp có tỷ lệ gây tàn phế cao nhất hiện nay do các tổn thương xương khớp thường khó có thể hồi phục hoàn toàn, tạo ra các di chứng nặng nề và ảnh hưởng tới sức khỏe dài hạn cũng như sinh hoạt đời thường của bệnh nhân. Từ độ tuổi 40 trở lên, tình trạng thoái hóa khớp và tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp, chấn thương có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân có thể do tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao, loãng xương do tuổi tác, thói quen ăn uống sinh hoạt thiếu lành mạnh (uống nhiều rượu bia, hút thuốc, v.v.), ngồi nhiều, ít vận động, v.v.

1. Dấu hiệu của bệnh cơ xương khớp

Rối loạn cơ xương khớp gây ra tình trạng viêm ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Những bệnh nhân mắc bệnh về cơ xương khớp thường có cảm giác chung là đau toàn thân, các cơ có cảm giác bị đốt hoặc vặn xoắn hết mức như thể đang bị vận động quá sức hoặc kéo dãn ra. Các triệu chứng bệnh có thể sẽ khác nhau tùy thể trạng cũng như tình trạng bệnh của mỗi người. Dưới đây là một vài các triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh cơ xương khớp:

  • Đau cơ, đau khi ấn vào cơ
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ, khó vào giấc
  • Viêm, sưng đỏ các khớp
  • Khó chuyển động khớp, phạm vi chuyển động bị hạn chế. Lâu dần có thể mất khả năng hoạt động khớp.
  • Ngứa ran
  • Tê hoặc cứng cơ, khớp
  • Cơ bị yếu, giảm lực cầm nắm

2. Nguyên nhân gây ra các bệnh lý về xương khớp

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có khả năng mắc bệnh về cơ, xương khớp do các bộ phận cơ thể có dấu hiệu bị lão hóa. Tuy nhiên giới trẻ hiện nay cũng là đối tượng có xu hướng mắc các bệnh lý này do nhiều nguyên do, chủ yếu từ lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh. 
  • Nghề nghiệp: Một số công việc đòi hỏi sự lặp đi lặp lại của một động tác hoặc phải duy trì những tự thế không tốt cho sức khỏe như ngồi văn phòng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn cơ xương khớp
  • Hoạt động: Trong trường hợp hoạt động sử dụng quá nhiều cơ bắp hay không hoạt động như ngồi cả ngày có thể dẫn tới rối loạn xương khớp về lâu dài
  • Lối sống: Lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc, lười vận động, v.v. sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch
  • Quá trình hoạt động hàng ngày có thể làm hao mòn hoặc thương tổn các mô trong cơ thể. Các chấn thương vật lí như ngã xe, té ngã, rơi, v.v. cũng có thể gây ra tình trạng đau xương khớp.

3. Các bệnh lý về cơ xương khớp

Như bài phân tích ở trên, bệnh lý cơ xương khớp hiện đang là một căn bệnh phổ biến trong xã hội với nhiều biểu hiện khác nhau. Bệnh có thể diễn biến ở nhiều lứa tuổi và xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm giao mùa hoặc khi có sự thay đổi thời tiết thất thường. Ví dụ khi thời tiết chuyển đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, kéo theo độ ẩm tăng cao nhanh chóng; dẫn tới các mạch máu ngoại vi có xu hướng co lại và làm giảm lượng máu tuần hoàn tới các cơ quan trong cơ thể như da, cơ khớp,… Đó chính là lý do gây ra các bệnh lý về xương khớp.

Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp ở người mắc bệnh về cơ xương khớp:

  • Viêm xương khớp

Là tình trạng các khớp bị đau và cứng, địa điểm xuất hiện cơn đau thường là đầu gối, háng và xương sống, đôi lúc cơn đau có thể đến từ khớp bàn tay. Viêm xương khớp có thể được phát hiện thông qua các dấu hiệu phổ biến như: đau và căng cứng khớp, khớp hoạt động kém linh hoạt, phạm vi chuyển động khớp bị hạn chế, khớp dễ chịu tổn thương từ tác động bên ngoài. Có thể kể đến một số dạng viêm khớp điển hình như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thấp khớp cấp, bệnh viêm khớp nhiễm trùng, gout, v.v. Nếu tình trạng viêm khớp diễn ra trong khoảng thời gian dài, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, ê ẩm thường xuyên, mất đi khả năng vận động hoặc thậm chí nặng hơn là tàn phế.

  • Thoát vị đĩa đệm

Là hiện tượng biểu thị sự dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống của đĩa đệm, xảy ra khi cơ thể chịu tác động mạnh hoặc khi nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt hoặc rách, dẫn tới các triệu chứng đau về thần kinh. Có rất nhiều các triệu chứng đặc trưng của bệnh thoát vị đĩa đệm, bao gồm đau cánh tay, cẳng tay, đau cột sống cổ lan xuống vai, đau chẩm gáy, tê tay, v.v. Nếu không phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, sức khỏe và chất lượng sinh hoạt cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, để lại di chứng suốt đời nếu chậm xử lý.

  • Gãy xương

Là hiện tượng tổn thương của xương do sự mất tính liên tục, gây ra do chấn thương hoặc do một số bệnh lý nhất định. Gãy xương hoàn toàn có tên gọi khác là mất tính liên tục hoàn toàn, còn gãy xương không hoàn toàn bản chất là mất tính liên tục không hoàn toàn. Nguyên nhân từ chấn thương có thể bao gồm các trường hợp: gãy xương xảy ra sau tác động của 1 lực mạnh dẫn tới chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt hay vết thương do hỏa khí gây nên. Gãy xương do bệnh lý có một vài trường hợp đặc trưng như một số bệnh lý gây ra sự phá hủy xương và làm gãy xương như u xương ác tính, viêm xương tủy xương, lao xương, v.v.

  • Thoái hóa khớp

Là căn bệnh biểu thị tình trạng tổn thương ở phần sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo các phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp. Một vài các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý này bao gồm tuổi tác, béo phì, những chấn thương nhẹ hoặc tình trạng mãn tính ở khớp. Các loại hình tiêu biểu của thoái hóa khớp bao gồm sụn, khớp và sự thoái hóa các đĩa liên đốt. Đặc trưng của bệnh này là sự thoái hóa của sụn và phì đại xương tại các diện khớp.

  • Bệnh Gout

Là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh lý cơ xương khớp, biểu hiện ra bên ngoài qua sự sưng đỏ và đau đột ngột ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric bị tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở các khớp. Dấu hiệu của bệnh gout vô cùng dễ phát hiện ra khi những cơn đau đột ngột xuất hiện giữa đêm gây sưng tấy các khớp, đặc biệt là khớp ở ngón chân cái, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, v.v. Bệnh cũng có thể diễn biến ở các khớp ở tay nhưng hiếm gặp.

  • Các loại bệnh khác:

Ngoài những bệnh vừa nêu trên, còn rất nhiều bệnh về cơ xương khớp phổ biến khác như: bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ, thoái hóa cột sống, loãng xương, chấn thương dây chằng chéo sau, hội chứng Tennis elbow,…

4. Các phương pháp điều trị bệnh cơ xương khớp

Có thể nói với sự tiến bộ vượt bậc của nền y học hiện nay, việc điều trị bệnh lý cơ xương khớp đã trở nên đa dạng và dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng các phương pháp điều trị riêng biệt, sao cho đạt hiệu quả cao nhất cộng với mức chi phí hợp lý. Để làm được việc đó, việc hội chẩn, tìm ra đúng tình trạng bệnh là ưu tiên hàng đầu trong việc tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Nếu tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn dự tính, các bác sĩ có thể phối hợp giữa các phương pháp để tăng hiệu quả chữa trị của cả quy trình. 

Một số phương pháp chính có thể kể đến:

  • Dùng thuốc: Trong quá trình điều trị bệnh cơ xương khớp, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm nhưng phải hoàn toàn tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý kê đơn thuốc hoặc thuốc không nằm trong danh mục chỉ định sử dụng. Ngoài ra bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại băng dán giảm đau hoặc thuốc bôi ngoài da nếu được các bác sĩ khuyên dùng. 
  • Vật lý trị liệu: Được xem như liệu pháp hữu hiệu tác động lên một số tác nhân vật lý giúp giảm cơn đau, kháng viêm, tạo ra sự kích thích, thúc đẩy quá trình phục hồi chấn thương hoặc cải thiện đáng kể tình trạng khớp xương thoái hóa mà hoàn toàn không sử dụng thuốc hay phẫu thuật can thiệp vào. Một số phương pháp vật lý trị liệu phổ biến trên thế giới hiện nay như xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng, v.v.
  • Phẫu thuật:  Trong một số trường hợp bệnh lý xương khớp dùng thuốc không có những tiến triển thuận lợi hoặc những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật với bệnh nhân. Tác dụng chính của phương pháp này là giảm đau và định hình lại các chứng rối loạn cơ xương khớp. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật thay khớp hoặc chỉnh xương tùy tình huống cụ thể.
  • Ngoài 3 phương pháp nêu trên, vẫn còn một số phác đồ điều trị bệnh cơ xương khớp khác cũng mang lại hiệu quả cao như tập luyện thể thao (đi bộ, bơi lội, yoga,…) hoặc đơn giản như việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực, sử dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, nghỉ ngơi đều đặn, v.v.

IIMS Việt Nam – Thành viên Tập đoàn IMS Nhật Bản – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản.

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

ZALO IIMS Vietnam