Bệnh lý về tai mũi họng

Tại Việt Nam, các bệnh lý liên quan tới tai mũi họng được đánh giá là một trong số những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là trong những kiểu thời tiết vào lúc giao mùa. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng oi bức của mùa hè, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên đột biến, cộng thêm với vấn nạn thực phẩm bẩn, kém vệ sinh tràn lan, sử dụng rượu bia và các chất kích thích ở mức độ thường xuyên đã làm cho tình trạng mắc các bệnh về Tai mũi họng tăng lên đột biến, nhất là ở các vùng đô thị

Là căn nguyên dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm về sau, các bệnh lý liên quan tới Tai mũi họng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ đem tới ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của người bệnh về lâu dài. Nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ chủ quan rằng đau họng hay viêm mũi là những bệnh xoàng xĩnh, không cần phải tới bệnh viện hoặc điều trị tích cực tại gia (sử dụng thuốc + chế độ ăn uống thích hợp + tập luyện và nghỉ ngơi) mà chỉ cần để qua thời gian là bệnh sẽ tự khỏi. Tâm lý đó vô hình chung đã đẩy tình trạng bệnh lên tới mức nguy hiểm, đáng báo động. Ít ai biết được rằng những bệnh lý liên quan đến tai mũi họng chính là sự khởi đầu của vô vàn các căn bệnh nguy hiểm thường được biết tới khác.

  1. Nguyên nhân gây ra các bệnh về tai mũi họng

Theo thông thường, khi nhắc đến tai mũi họng thì yếu tố thời tiết, môi trường thường được đề cập trước tiên như một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng bệnh. Tuy nhiên không chỉ có yếu tố thời tiết mà còn nhiều “kẻ thù” khác có độ nguy hiểm không kém dẫn tới bệnh lý tai mũi họng; trong số chúng còn có những yếu tố tưởng chừng như rất nhỏ, đến từ các thói quen bình thường hàng ngày mà ít ai để ý tới. Một số các tác nhân cơ bản có thể kể đến:

  • Môi trường sống bị ô nhiễm: Việc sinh sống tại cái địa điểm gần vị trí tọa lạc của các nhà máy công nghiệp hay các tổ hợp khu công nghiệp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn người dân sống ở khu vực bình thường khác. Khói bụi và chất thải công nghiệp thải ra môi trường, dù đã qua hay chưa qua xử lý, đều ít nhiều gây ra sự độc hại, tổn thương cho cơ thể người nếu hít phải hoặc tiếp xúc (trực tiếp, gián tiếp).
  • Thời tiết: Tình hình thời tiết, khí hậu tại Việt Nam những năm gần đây có xu hướng diễn ra thất thường, tình trạng sáng nắng chiều mưa diễn ra thường xuyên khiến không ít người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, dễ mắc các bệnh về hô hấp, cảm lạnh, viêm nhiễm, v.v. Đó là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh tấn công vào cơ thể người; bởi vào thời điểm đó vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhiều và cơ thể người rơi vào trạng thái yếu nhất. Theo thống kê qua các năm, vào thời điểm giao mùa, tỷ lệ mắc các bệnh về tai mũi họng tăng lên đột biến, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ.
  • Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ung thư vòm họng trong khi rượu bia có nguy cơ cao gây bỏng thanh quản tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào vùng vòm họng gây ra một số bệnh như viêm họng, viêm amidan, v.v. Đặc biệt khi sử dụng các sản phẩm trên nhưng ở dạng chất lượng thấp, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao và khó điều trị hơn cho bác sĩ. Khói thuốc lá thụ động ảnh hưởng rất xấu tới trẻ nhỏ, gây ra vô số căn bệnh liên quan đến tai mũi họng do sức đề kháng của các em còn yếu.
  • Vệ sinh cá nhân: đây là vấn đề cốt yếu, tác động trực tiếp tới việc phòng ngừa và ngăn chặn các bệnh về đường hô hấp, về tai mũi họng. Việc vệ sinh cá nhân không cẩn thận có thể làm cho các mầm bệnh xâm nhập trực tiếp vào cơ thể người qua da hoặc hô hấp, gây ra các triệu chứng bệnh ban đầu. Trong một số trường hợp đặc biệt như bị cảm lạnh, thân thể còn yếu, sức đề kháng yếu; vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan vùng tai mũi họng, là tiền đề để bùng phát các căn bệnh trong hệ này.
  • Cơ địa dị ứng: Một vài trường hợp có thể xuất phát do di truyền gen hoặc do môi trường xung quanh tác động vào; khi tiếp xúc trực tiếp với phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật như lông mèo/chó, v.v cũng là các nguyên nhân gây ra bệnh tai mũi họng.
  • Sử dụng tai nghe âm lượng lớn: Có nhiều trường hợp người bệnh đến khám trong tình trạng tai bị ù, bị chấn thương do nghe tai nghe tần số quá cao, trong một khoảng thời gian dài. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể di chứng thành bệnh điếc. Thực tế chỉ ra rằng đã có rất nhiều người bị suy giảm thính giác vĩnh viễn do dùng tai nghe. Việc sử dụng loại tai nghe nào, thời gian sử dụng tai nghe hợp lý là những điều mà người dùng nên quan tâm tới nếu không muốn mất đi thính lực vĩnh viễn.
  1. Dấu hiệu của bệnh về tai mũi họng

2.1. Dấu hiệu về tai

  • Đau tai:

Đây được xem như triệu chứng phổ biến nhất của những người mắc bệnh tai mũi họng có triệu chứng bệnh xuất phát từ tai. Nếu mắc viêm tai giữa cấp, ở giai đoạn xung huyết hay ứ mủ thường máu sẽ tích tụ lại gây ra tình trạng đau nhức tai, mức độ đau tăng lên từng ngày. Cơn đau sẽ lan dần ra toàn bộ tai, theo nhịp đập của mạch, ra sau tai, vùng thái dương rồi lan xuống hàm khiến người bệnh mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

  • Chảy mủ tai:

Hiện tượng trên thường gặp nhất trong trường hợp viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai giữa cấp tính đang ở giai đoạn vỡ mủ. Dấu hiệu ở đây là việc mủ tai có thể đặc sánh hoặc loãng, có màu xám hoặc vàng, đôi khi lẫn cả máu ở trong. Khi xuất hiện tình trạng ở trên, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

  • Ù tai:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ù tai như bệnh lý tai ngoài (quá nhiều ráy tai, viêm ống tai ngoài, nhọt trong tai, dị vật; các bệnh lý về tai giữa (viêm tai giữa cấp tính và mãn tính, viêm tắc vòi nhĩ); hoặc do bệnh lý về màng nhĩ (xơ hóa màng nhĩ). Ù tai có tác động tiêu cực đến mức độ tập trung của người bệnh, ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân, học tập và làm giảm năng suất lao động hàng ngày của người mắc bệnh.

2.2. Dấu hiệu về mũi

  • Tắc mũi, ngạt mũi:

Với người lớn tình trạng thường gặp trong viêm xoang, polyp mũi, vẹo vách ngăn hoặc có các khối u mũi xoang và vòm họng… Còn với trẻ nhỏ các trường hợp thường gặp là viêm V.A, viêm mũi xoang, có dị vật tắc trong mũi…..

  • Chảy nước mũi:

Khi mắc bệnh mũi xoang người bệnh có thể biểu lộ ra triệu chứng chảy nước mũi trong (do viêm mũi cấp, viêm mũi xoang dị ứng, hoặc do cảm cúm thông thường gây ra), mũi nhầy mủ (do viêm xoang cấp/mãn tính) hoặc chảy máu mũi (do khối u vùng mũi xoang và chấn thương mũi – xoang – hàm gây nên).

2.3. Dấu hiệu về họng – thanh quản

  • Nuốt vướng:

Đây là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm về họng – thanh quản như: viêm họng – thanh quản, viêm amidan hay đặc biệt nguy hiểm hơn cả là ung thư vòm họng, ung thư thanh quản,….

  • Họng đau rát:

Hiện tượng đau rát họng, sưng đau màn hầu, lưỡi gà xảy ra khi họng bị nhiễm khuẩn, là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh như viêm họng và viêm amidan, áp xe thành sau họng hoặc dị vật họng

  • Ngứa họng:

Tình trạng trên thường xuất hiện ở những người mắc bệnh viêm họng mãn tính hoặc viêm mũi – họng dị ứng, có chế độ ăn uống không hợp lý, dính bụi bẩn gây kích ứng niêm mạc họng dẫn tới sự ngứa ngáy khó chịu. Người bệnh thường có phản ứng ho hay khạc đờm thường xuyên để làm giảm cơn ngứa họng.

  • Tác hại của bệnh lý về tai mũi họng:

Các bệnh lý liên quan tới tai mũi họng đều vô cùng nguy hiểm vì nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm thì bệnh rất dễ dàng biến chứng mãn tính, là tác nhân chính dẫn tới nhiều căn bệnh khác nguy hiểm hơn cho người bệnh. Ví dụ như viêm mũi nếu không điều trị hoàn toàn có thể dẫn tới viêm tai (làm giảm khả năng nghe và gây ra những  biến chứng nặng nề hơn như viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên hoặc nặng là liệt mặt..) viêm thanh quản (biến đổi hoặc làm mất giọng nói nếu bệnh nặng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi)

Có thể ít người biết nhưng viêm xoang nếu để nặng hoàn toàn có thể dẫn tới nhiễm trùng ổ mắt – một biến chứng vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới thị lực cũng như đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Trong tình huống nguy hiểm hơn, vi khuẩn của amidan còn có khả năng tấn công trực tiếp vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khó lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim, trụy tim,… ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và mạng sống của bệnh nhân.

Tai mũi họng được xem như cửa ngõ của đường thở nên tất cả những trục trặc ở đây đều có thể làm tắc nghẽn thở nhanh chóng. Viêm họng cấp, viêm phế quản cấp ở trẻ nhỏ, dị vật, v0.v là những căn bệnh yêu cầu phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.

  1. Những căn bệnh về tai mũi họng thường gặp và cách phòng tránh

3.1. Những căn bệnh về tai mũi họng thường gặp

  • Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia làm 2 loại chính là viêm mũi dị ứng có chu kì và viêm mũi dị ứng không có chu kì. Loại viêm mũi dị ứng có chu kì có độ phổ biến cao hơn hẳn do mức độ xuất hiện luôn ở mức cao vào thời điểm giao mùa, đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng.

Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thường có các biểu hiện bên ngoài như hắt hơi liên lục hay ngứa mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, thường cảm giác bỏng rát ở vùng họng, v.v. Các triệu chứng trên có xu hướng xuất hiện rất nhiều vào lúc sáng sớm ngủ dậy và dịu dần khi mặt trời lặn vào tầm xế chiều.

  • Viêm tai giữa

Trẻ em là đối tượng thường mắc viêm tai giữa tiết dịch nhiều nhất, tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 10 – 20% tổng số trẻ mẫu giáo, mầm non. Thời điểm mà bệnh bùng phát nhất là lúc giao mùa từ khoảng cuối tháng 9 tới đầu tháng 10, bệnh có khả năng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị dứt điểm, kịp thời.

  • Viêm xoang

Khi thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh, khi giao mùa, đó là khoảng thời gian mà số ca mắc viêm xoang tăng với tốc độ chóng mặt. Căn bệnh không phân biệt tuổi tác này có tốc độ tiến triển nhanh không tưởng; nếu như người bệnh không phát hiện kịp thời và chữa trị đúng có thể gây ra các biến chứng khó lường. Bệnh nhân mắc viêm xoang thường có các triệu chứng như đau nhức mũi, đau nhức vùng má, lông mày, giữa 2 mắt, vùng gáy, v.v dịch nhầy chảy ra phía mũi, nghẹt tắc mũi, vv.

  • Viêm amidan

Cả người lớn và trẻ em đều có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh này vào thời điểm giao mùa. Do cấu trúc amidan nhiều hốc và nằm tại nút giao đường ăn và đường thở, là một ngõ cụt nên virus, vi khuẩn rất dễ dàng xâm nhập vào gây bệnh, thường là vào thời điểm thời tiết có nhiều biến chuyển bất thường. Bệnh nhân mắc viêm amidan cấp thường cảm giác đau họng, sốt, chảy nước mũi, hai amidan sưng lớn, vùng họng viêm rát đỏ, v.v. Còn bệnh nhân mắc amidan mạn thường gây cảm giác đau nhói ở vùng họng, thi thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở có mùi hôi, v.v.

  • Viêm V.A 

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới viêm V.A, một trong số những lý do điển hình là tình trạng viêm nhiễm do bị lạnh, các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng xâm nhập vào gây bệnh. Bản thân cấu trúc của V.A cũng có nhiều khe, hốc, là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn và phát triển nên khả năng lây nhiễm bệnh lại càng cao. Biểu hiện dễ thấy của bệnh viêm V.A bao gồm sốt cao, co giật, rối loạn tiêu hóa, tắc mũi, chảy nước mũi, ngủ ngáy to,…

3.2. Cách phòng tránh bệnh về tai mũi họng

  • Vào những khoảng thời gian giao mùa, thời tiết có nhiều biến chuyển thất thường, việc giữ ấm cổ, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng để tránh mắc các bệnh về tai mũi họng
  • Thường xuyên sử dụng dịch vụ khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Việc này sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra những căn bệnh nguy hiểm về tai mũi họng như ung thư vòm họng hay ung thư thực quản.
  • Mang theo và đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế để tiếng ồn bên ngoài tác động quá lớn tới thính giác (tai) hàng ngày.
  • Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối. Nên vệ sinh mũi họng bằng cách súc miệng nước muối hoặc xịt nước muối biển ba đến bốn lần một ngày. Lưu ý nhỏ là các loại nước muối dạng bình xịt có áp lực mạnh không nên được sử dụng với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thay vào đó có thể sử dụng nước muối 0.9% cho trẻ lứa tuổi đó.
  1. Cách điều trị bệnh tai mũi họng

Khi phát hiện ra các triệu chứng của bệnh lý tai mũi họng, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc dùng lại đơn thuốc được kê trước đó mà phải tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và dùng thuốc tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.

Một lưu ý khác là người bệnh không được điều trị ngắt quãng, dùng thuốc được một thời gian ngắn thấy đỡ là dừng. Điều đó không chỉ gây ra tình trạng nhờn thuốc mà nặng hơn còn có thể để lại những biến chứng khó lường cho người bệnh. Cần điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ. Và quan trọng hơn cả là điều trị càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện ra những triệu chứng ban đầu của bệnh, nhằm giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng hiệu quả quá trình điều trị.

IIMS Việt Nam – Thành viên Tập đoàn IMS Nhật Bản – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản.

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

ZALO IIMS Vietnam