Các bệnh lý nội tiết

Tuyến nội tiết được xem như các tuyến đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ thể người. Tuyến nội tiết có chức năng tiết ra hormone trong cơ thể. Một số căn bệnh liên quan tới nội tiết thường xuất hiện do sự rối loạn của một hoặc nhiều tuyến nội tiết trong cơ thể, dẫn tới sự thay đổi của tuyến về hình dạng, kích thước, mật độ, khối lượng, số lượng, v.v.) dần dần sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ thể trạng cộng với sức khỏe của người bệnh.

Rối loạn tuyến nội tiết bao gồm cường hoặc suy giảm chức năng ít nhiều gây ra sự nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Trong xã hội hiện nay, sự phát triển của kinh tế cũng như lối sống, đời sống được cải thiện tương đối, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, v.v. đang có dấu hiệu gia tăng với tốc độ chóng mặt. Thực đơn cũng như khẩu phần ăn mất cân đối, thừa chất cũng một phần dẫn tới các căn bệnh kể trên.

1. Rối loạn nội tiết, biểu hiện như thế nào?

Có nhiều các biểu hiện khác nhau được ghi nhận có liên quan đến rối loạn nội tiết, tùy thuộc vào việc sự rối loạn xuất hiện ở tuyến nào. Tuy vậy các chuyên gia y khoa cũng chỉ ra các dấu hiệu chung cho việc xuất hiện mầm mống của rối loạn nội tiết như: tăng cân, sụt cân bất thường, uống nhiều tiểu nhiều, vết thương lâu lành, v.v.

Rối loạn nội tiết có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như: đái tháo đường type 2, suy giáp, cường suy tuyến thượng thận hoặc suy tuyến yên, v.v.

2. Các bệnh lý thường gặp do rối loạn nội tiết

Trong các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường là bệnh lý phổ biến nhất và thường đi kèm rất nhiều biến chứng mạn tính, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm bệnh đái tháo đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý về rối loạn nội tiết khác cũng gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời:

  • Tiểu đường

Đây là căn bệnh được xem như khá phổ biến hiện nay, tuy vậy phần lớn những người mắc bệnh lại không hề phát hiện ra. Bệnh tiểu đường có tên gọi khác là Đái tháo đường hoặc Bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hụt hay giảm tác động trong cơ thể người. Biểu hiện bên trong của bệnh là mức đường trong máu luôn cao; trong những giai đoạn đầu người bệnh có xu hướng đi tiểu nhiều, tiểu đêm nhiều nên thường có xu hướng khát nước

Có nhiều yếu tố quyết định bệnh tiểu đường như môi trường, chế độ ăn uống, vận động, di truyền gen, stress, v.v. Ngưỡng tiểu đường tới khi cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin).

Insulin được sản xuất từ tuyến tụy, một tuyến nằm phía sau dạ dày, giúp cho các tế bào của cơ thể có thể sử dụng đường từ máu của bạn. Còn glucose là một nguồn năng lượng cho các tế bào, được tạo ra chủ yếu từ tinh bột (trong thức ăn như gạo, ngô, khoai sắn, v.v.) và thức uống ngọt.

Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như suy thận, mù lòa, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử và có nguy cơ tử vong, v.v. Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng làm giảm khả năng quan hệ tình dục một cách rõ rệt.

  • Suy giáp

Suy giáp là bệnh lý thể hiện tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của tuyến giáp, sản xuất hormon tuyến giáp dưới mức bình thường, không đủ cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, về lâu dài gây ra sự tổn thương cho các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hóa lâm sàng và xét nghiệm.
Suy giáp có thể biểu hiện ra bên ngoài theo nhiều hình thái khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác của bệnh nhân và mức độ giảm tiết hormon giáp trạng. Một số các rối loạn điển hình của bệnh nhân mắc suy giáp có thể kể đến: mệt mỏi, đuối sức, có lúc tăng cân, sợ gặp lạnh, da khô và thô, tái lạnh, tóc dễ gãy rụng, rụng lông mày, lông nách, thưa lông mu; phù nề niêm mạc toàn thể, da mỡ láng bóng, thâm nhiễm các cơ quan như mi mắt nặng, lưỡi to dày, thanh quản khàn, khó thở, phì đại cơ, dễ táo bón, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim. Trong trường hợp suy giáp nặng có thể dẫn tới suy tim (đặc biệt là khi có thiếu máu đi kèm), suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, nghĩ chậm.

Nếu suy giáp không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới các nguy cơ cao về tăng cholesterol, triglyceride, giảm HDL, tăng đề kháng mạch máu ngoại biên; Thay đổi nội mạc mạch máu; tăng nguy cơ bệnh mạch máu ngoại biên; Tăng độ dày động mạch cảnh; Tăng suy tim sung huyết; suy chức năng tâm thất; Tăng nguy cơ trầm cảm lo âu, hoảng loạn; Tăng nguy cơ chậm lớn ở trẻ em có mẹ mắc suy giáp từ khi mang thai.

Đối tượng mắc suy giáp chủ yếu là phụ nữ, chiếm tỉ lệ 2% tổng dân số; còn đối với nam giới chỉ chiếm 0.1%. Tỉ lệ mắc suy giáp ở trẻ sơ sinh là 1/5000.

  • Cường giáp

Là tình trạng dư thừa quá nhiều hormon tuyến giáp trong máu. Sự dư thừa ấy thúc đẩy sự chuyển hóa và tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch, loãng xương, v.v. Lượng hormon giáp dư thừa còn gây rối loạn về tâm, thần kinh, rối loạn tiêu hóa và các rối loạn tình dục. Các biểu hiện phổ biến thường gặp ở bệnh nhân mắc cường giáp có thể kể đến: thường bị căng thẳng và kích thích; đánh trống ngực và nhịp tim nhanh, hay bị run giật, sút hoặc tăng cân bất thường, đi tiểu tiện/đại tiện nhiều; phù nề chân hoặc nặng hơn là bị liệt, khó thở; rối loạn giấc ngủ, thay đổi thị giác, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi, yếu cơ, v.v.

  • Bệnh tuyến thượng thận 

Bệnh suy tuyến thượng thận mạn tính còn gọi là bệnh suy thượng thận mạn hay bệnh Addison. Các bệnh lý tuyến thượng thận như hội chứng Cushing (cường vỏ thượng thận), hội chứng Conn (cường Aldosteron tiên phát). Bệnh Addison suy thượng thận tiên phát thường bị bỏ qua do các triệu chứng không điển hình hoặc bệnh nhân hay thầy thuốc không để ý cho đến khi người bệnh đã ở giai đoạn muộn như tai biến mạch não suy tim hoặc khi u đã quá to gây tổn thương nặng nề cho người bệnh.

Trong thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng thuốc đang thực sự là một chướng ngại với việc khám lâm sàng. Nhóm thuốc corticoid – thuốc giảm đau chống viêm giảm miễn dịch – đang được sử dụng rất nhiều. Không thể phủ nhận những công dụng đặc hiệu mà loại thuốc trên mang lại, tuy nhiên việc lạm dụng quá mức đã dẫn tới tỉ lệ cao suy thượng thận thứ phát. Hậu quả dẫn tới một vài căn bệnh như loãng xương, suy giảm miễn dịch, v.v. và vỏ thượng thận giảm hoặc tiết cortisol gây ra bệnh cảnh suy thượng thận, nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

  • Suy tuyến yên

Là sự suy giảm chức năng bài tiết hormon của tuyến yên, những hormon này có tác dụng kích thích các tuyến khác. Bệnh lý tuyến yên là bệnh lý ít được mọi người để ý đến cho đến khi khối u đã quá to gây chèn ép và gây suy tuyến yên ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Đây là một rối loạn hiếm gặp, trong đó tuyến yên hoặc không sản xuất hoặc sản xuất không đủ một hoặc nhiều hormone. Sự thiếu hụt này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ các chức năng thông thường của cơ thể, chẳng hạn như áp lực tăng trưởng trong máu và sinh sản.

Khi bị suy tuyến yên, sẽ gặp phải các triệu chứng: mệt mỏi; sụt cân; suy giảm ham muốn tình dục; nhạy cảm với cảm lạnh hoặc khó giữ ấm; ăn không ngon miệng; phù mặt; thiếu máu; rụng lông, tóc; ở phụ nữ đang nuôi con thì bị mất khả năng sản xuất sữa; trẻ em chậm phát triển.

Các kiến thức cơ bản của bệnh lý nội tiết sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh nội tiết rối loạn chuyển hoá, phần nào có thể giúp ta phát hiện được bệnh sớm hơn nhờ vậy giảm được các biến chứng nặng nề.

Từ đó, việc điều trị các rối loạn tuyến nội tiết rất phức tạp, việc bổ sung hormon thiếu hụt hay sử dụng các loại thuốc làm kích thích hoặc ức chế tiết hormon nào đó nên do các bác sĩ chuyên khoa nội tiết chỉ định và có sự theo dõi đặc biệt. Việc bổ sung hormon nội tiết được chỉ định và theo dõi rất cẩn thận nhằm làm giảm các tác dụng không mong muốn của các chế phẩm này do đó không khuyến khích dùng khi chưa có chỉ định.

3. Quy trình khám cơ bản

  • Khám lâm sàng

Bệnh nội tiết có đặc trưng cơ bản là sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngoại hình, hình dáng chung của người bệnh. Do vậy, khám lâm sàng là bước đầu tiên, quan trọng và cơ bản nhất để đánh giá tình trạng chung của người bệnh. Qua việc quan sát hình dạng người bệnh qua tư thế đi lại, nghỉ ngơi, hình dáng mặt, thân, các chi, v.v. các bác sĩ sẽ có cơ sở đánh giá bước đầu tình trạng bệnh trong từng trường hợp riêng.

Ngoài ra các bác sĩ sẽ tiến hành đo chiều cao, kích thước vòng đầu, vòng ngực, độ dài xương cẳng tay, chân, đùi để đánh giá sự cân đối giữa các bộ phận. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành thêm việc đo cân nặng cũng như thăm hỏi quá trình thay đổi cân nặng của người bệnh.

  • Khám các bộ phận

Những bộ phận có mối liên quan mật thiết tới các tuyến nội tiết như cơ quan sinh dục (âm đạo, môi to, môi bé, âm vật, tử cung, vú, dương vật, bìu, số lượng và chất lượng tinh hoàn, v.v.), bộ máy tuần hoàn (huyết áp, nhịp tim, động mạch vành, tuyến yên, tuyến giáp, v.v.), tiêu hoá (khẩu vị, dạ dày, hạ canxi máu, v.v.), cơ quan vận động (xương, khớp, v.v.), tinh thần và thể lực, v.v. của người bệnh cũng sẽ được tiến hành thăm khám kỹ càng, tỉ mỉ để tìm ra bộ phận mắc bệnh cũng như vấn đề của tuyến nội tiết ở bộ phận đó.

Các phương pháp thăm dò nội tiết:

  • Thăm dò về hình thái

Chủ yếu dựa vào X-quang, chụp phóng xạ. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng tuyến, có thể áp dụng các phương pháp áp chụp X-quang khác nhau, nhằm tìm và đánh giá thể tích tuyến mà khi khám lâm sàng chưa đo được.

  • Thăm dò chức năng 

Trong việc khám các tuyến nội tiết, thăm dò chức năng tuyến giữ vị trí hết sức quan trọng. Bởi tại một số tuyến nội tiết, thời điểm bệnh khởi phát chỉ có rối loạn trong thể dịch, phải phát hiện bằng các xét nghiệm sinh hoá.

Phương pháp chủ yếu để thăm dò chức năng tuyến nội tiết là: Định lượng một số chất trong máu, định lượng một số Hormon và dẫn xuất của chúng thải ra trong nước tiểu và một số biện pháp thăm dò chức năng tuyến. Trong đó chủ yếu là áp dụng các phương pháp kích thích và kìm hãm dựa trên vai trò điều chỉnh của các tuyến.

Sau khi đã khám lâm sàng và thực hiện các phương pháp thăm dò tuyến tỉ mỉ, kĩ càng, sàng lọc và phân biệt các biểu hiện bệnh lý trên người bệnh. Cuối cùng các bác sĩ sẽ tổng hợp và đưa ra kết luận các biểu hiện ấy thuộc hội chứng suy hay cường của tuyến nào? Từ đó có phương án điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

IIMS Việt Nam – Thành viên Tập đoàn IMS Nhật Bản – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản.

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

ZALO IIMS Vietnam