Khám sức khỏe tổng quát nữ giới bao gồm khám chi tiết các cơ quan, đặc biệt còn khám một số cơ quan liên quan đến sinh dục cho nữ, tầm soát các bệnh ở các cơ quan sinh dục nữ. Khám sức khỏe tổng quát rất cần thiết giúp nhận biết sớm các bệnh lý và nguy cơ bệnh.
Những bệnh lý của phụ nữ đều vô cùng nguy hiểm ở mọi lứa tuổi. Nếu không được tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ, phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu, có thể dẫn tới những biến chứng nặng, biểu hiện ra các triệu chứng nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh về sau.
Các danh mục khám sức khỏe tổng quát cho Nữ giới
Khám nội tổng quát
Được bác sĩ nội khám tổng quát và tư vấn: Hỏi bệnh sử, đánh giá yếu tố nguy cơ của bệnh qua hỏi bệnh và khám lâm sàng.
Kiểm tra chỉ số huyết áp, BMI, vòng bụng, vòng ngực: Nhằm đánh giá về các bệnh lý tim mạch, các yếu tố nguy cơ các bệnh lý nội khoa khác.
Khám mắt
Bác sĩ kiểm tra thị lực. Đánh giá các yếu tố nguy cơ các bệnh về mắt: Tật khúc xạ, loạn thị, cận thị,…
Khám răng
Khám và tư vấn các vấn đề răng miệng bởi bác sĩ chuyên khoa răng.
Chụp X-quang răng: Phát hiện các bệnh lý nang chân răng, u xương hàm.
Khám tai mũi họng
Khám, tư vấn chuyên khoa tai mũi họng.
Nội soi tai mũi họng: Nhằm phát hiện các bệnh lý vùng tai mũi họng.
Khám phụ khoa
Khám, tư vấn bởi bác sĩ phụ khoa: Khám phần phụ, khám vú, soi cổ tử cung, xét nghiệm HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung.
Các thăm dò cận lâm sàng
Các xét nghiệm sinh hóa máu
Đánh giá chức năng gan: Thông qua xét nghiệm men gan AST, ALT, GGT, định lượng bilirubin.
Đánh giá chức năng thận: Xét nghiệm creatinin, ure máu.
Tầm soát đái tháo đường: Xét nghiệm đường huyết lúc đói, chỉ số HbA1c.
Bệnh gút: Xét nghiệm acid uric máu.
Kiểm tra rối loạn lipid máu: Định lượng cholesterol toàn phần, HDL-Cholesterol, LDL-Cholesterol, triglycerid.
Kiểm tra lượng sắt trong máu: Xét nghiệm sắt huyết thanh.
Tổng phân tích nước tiểu: Phát hiện bệnh hệ tiết niệu.
Các xét nghiệm huyết học
Xét nghiệm công thức máu: Đánh giá tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng và có rối loạn đông máu liên quan đến số lượng tiểu cầu.
Viêm gan B: Kháng nguyên (HBsAg) và định lượng kháng thể (HBsAb).
Viêm gan C: Kháng thể kháng virus viêm gan C (HCV Ab).
Viêm gan A: Kháng thể kháng virus viêm gan A ( HAV-IgM).
Test hồng cầu trong phân: Phát hiện các bệnh lý về đại tràng (u, loét, viêm đại tràng do ký sinh trùng).
Test HP trong máu.
Xét nghiệm phân tìm trứng sán.
Siêu âm
Siêu âm ổ bụng: Kiểm tra các bệnh lý các cơ quan trong ổ bụng: Gan, lách, tụy, mật, thận.
Đo độ đàn hồi của nhu mô gan: Xác định độ xơ hóa gan đánh giá tiên lượng và theo dõi bệnh lý của gan.
Siêu âm tuyến giáp.
Siêu âm vú 2D, 3D: Xác định các bệnh lý ở vú.
Siêu âm phụ khoa bằng đầu dò âm đạo và siêu âm qua đường bụng.
Thăm dò chức năng tim
Điện tâm đồ: Phát hiện các bệnh như thiếu máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền, dày thất, nhồi máu cơ tim, ngoại tâm thu…
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang vú.
Chụp X-quang tim phổi.
Chụp MRI: Chụp cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng.
Chụp CT.
Nội soi
Nội soi dạ dày: Phát hiện các bất thường ở dạ dày.
Nội soi đại tràng: Phát hiện các bất thường ở đại tràng.
Những lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát cho nữ
Khách hàng cần chuẩn bị các thông tin về sức khỏe và bệnh tật của các thành viên trong gia đình mình. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ bệnh của khách hàng dựa trên tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác.
Chuẩn bị các thông tin về tiền sử sức khỏe bản thân, bao gồm lịch chủng ngừa vaccine từ trước tới nay, những nguyên nhân gây dị ứng nếu có (thuốc, thực phẩm…). Khách hàng nhớ lại xem trước đây mình có mắc bệnh hay có phẫu thuật gì hay không, quá trình điều trị như thế nào.
Nên mang theo các kết quả xét nghiệm, đơn thuốc cũ nếu có.
Các lưu ý khi thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu: một số xét nghiệm yêu cầu cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm, tốt nhất bạn chỉ nên uống nước lọc, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu. Không nên uống các loại vitamin và khoáng chất trong vòng 24 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
– Xét nghiệm nước tiểu (lấy vào ngày làm xét nghiệm): Cần vệ sinh sạch tay và bộ phận sinh dục ngoài. Lấy mẫu nước tiểu bằng 1 tay không chạm vào mặt trong của lọ đựng bệnh phẩm (trên lọ có ghi tên, ngày tháng năm sinh của khách hàng).
– Xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung âm đạo (PAP Smear): Xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
+ Xét nghiệm chỉ dành cho phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, không làm xét nghiệm này khi đang có kinh nguyệt, đang ra máu âm đạo, đang có viêm nhiễm nặng, đang đặt thuốc điều trị viêm âm đạo, đang có thai.
+ Thời điểm làm xét nghiệm nên trước và sau kỳ kinh ít nhất 7 ngày. Trước khi làm xét nghiệm 24 tiếng không thụt rửa, giao hợp.
– Siêu âm ổ bụng, đánh giá tổn thương các cơ quan trong ổ bụng như gan, túi mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung, buồng trứng,… Các khối u trong phúc mạc, sau phúc mạc,…: Nên nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi làm siêu âm để đánh giá đường mật, uống khoảng 500ml nước lọc và nhịn đi tiểu khoảng 1 giờ trước khi siêu âm để đánh giá vùng tiểu khung.
-X-quang phổi: khi có thai hay nghi ngờ có thai nên báo cho BS trước khi chụp.
Sau khi khám, dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên, lưu ý. Bạn hãy nên hỏi bác sĩ tất cả thắc mắc về bệnh trạng của mình: có phải uống thuốc, uống trong bao lâu, phản ứng thuốc (nếu có), có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc, tái khám… Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về việc tiêm ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, uốn ván, cúm gia cầm, ung thư cổ tử cung… Nếu đợt khám tổng quát đạt kết quả tốt, nếu có điều kiện, việc khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là tốt nhất dù ở độ tuổi nào.