Tầm soát ung thư máu

Tin mới 25/03/2020 09:40:11. Views: 6,231.

Ung thư máu là một trong những căn bệnh phức tạp và có tỉ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã chủ quan hoặc không phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Vì vậy, bạn nên tầm soát ung thư máu ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh.

[GIẢI ĐÁP] Xét nghiệm ung thư máu bao nhiêu tiền?

1. Lý do nên tầm soát ung thư máu

Ung thư máu được xếp vào nhóm ung thư khá phổ biến và có tỉ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 6.000 ca mắc mới và gần 5.000 ca tử vong vì ung thư máu.

Ở giai đoạn đầu, đa số bệnh nhân không thể tự phát hiện ra mình bị ung thư máu do các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc điều trị, vì giai đoạn đầu là thời điểm việc chữa bệnh ung thư đơn giản và có hiệu quả cao nhất.

Do vậy, xét nghiệm tầm soát ung thư máu để phát hiện bệnh sớm đóng góp rất lớn trong việc cải thiện sức khỏe người bệnh.

Bệnh ung thư máu

Ung thư máu là căn bệnh phức tạp với tỉ lệ tử vong cao

Khái niệm ung thư máu thực chất là tập hợp của nhiều bệnh lý khác, tương ứng với các cơ chế gây bệnh khác nhau.

  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính: Nếu được điều trị sớm, khoảng 20 – 40% người bệnh có thể sống hơn 5 năm. Tuy nhiên nếu việc điều trị bắt đầu muộn, khả năng điều trị hiệu quả là không cao.
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Nếu được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu, thời gian sống trung bình của bệnh nhân khi điều trị là 8 năm. Trong trường hợp bệnh nhân chỉ thực hiện điều trị ở giai đoạn cuối, thời gian sống trung bình chỉ còn chưa đến 4 năm.
  • Bệnh bạch cầu lympho mạn tính: Nếu chỉ có tế bào lympho B bị ung thư, việc điều trị rất khả quan khi bệnh nhân có thể sống đến 10 – 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân bị bệnh bạch cầu lympho T mạn tính có tiên lượng xấu hơn nhiều, thời gian sống thường không kéo dài.
  • Bệnh bạch cầu lympho cấp tính: Tốc độ tiến triển của bệnh rất nhanh và khó kiểm soát, do đó thời gian sống của bệnh nhân tương đối ngắn.

Kết quả thống kê cho thấy, việc phát hiện bệnh sớm bằng phương pháp tầm soát ung thư máu giúp cho việc điều trị đơn giản và hiệu quả hơn, cải thiện rõ rệt thời gian sống của bệnh nhân.

2. Có 7 dấu hiệu này bạn nên thực hiện tầm soát ung thư máu ngay

Các biểu hiện của ung thư máu giai đoạn đầu không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Bạn nên thực hiện tầm soát ung thư máu nếu các triệu chứng sau đây kéo dài lâu ngày không khỏi:

  • Biểu hiện giống bị cảm lạnh: Sốt cao, đau nhức đầu, đau nhức các khớp,…
  • Xuất hiện những đốm đỏ dưới da do lượng tiểu cầu trong máu bị giảm đột ngột.
  • Nổi hạch và chảy máu cam: Triệu chứng chảy máu cam thường kèm theo sưng nổi hạch to ở các vị trí như nách, bẹn hoặc cổ.
  • Chảy máu chân răng thường xuyên và trong thời gian dài.
  • Xuất hiện các vết bầm tím trên da mà không rõ nguyên nhân.
  • Dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về da.
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể, lười vận động… do bệnh nhân ung thư máu không sản xuất đủ tế bào hồng cầu cho cơ thể, gây thiếu máu.
Dấu hiệu nên đi tầm soát ung thư máu

Nổi hạch ở cổ cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư máu

3. Đối tượng nên đi khám tầm soát ung thư máu

Các yếu tố nguy cơ như di truyền, nhiễm phóng xạ hoặc chất hóa học làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư máu. Vì vậy, bạn nên cảnh giác với các vấn đề sức khỏe nhiều hơn và thực hiện tầm soát ung thư máu thường xuyên nếu nằm trong các nhóm đối tượng sau:

  • Người thân trong gia đình bị ung thư máu
  • Trẻ bị mắc bệnh Down bẩm sinh
  • Trường hợp bị đột biến nhiễm sắc thể thì khó tránh khỏi bị ung thư máu
  • Những người thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ hoặc hóa chất độc hại như công nhân làm việc trong nhà máy năng lượng hạt nhân, chế tạo linh kiện điện tử, thợ nhuộm, công nhân nhà máy… có nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá.
  • Những người thường xuyên phải sử dụng các xét nghiệm phóng xạ y tế như chụp X-quang, quét CT, quét PET,…. có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn, đặc biệt là trẻ em.
  • Đối tượng đã từng xạ trị và hóa trị các bệnh ung thư trước đây.
  • Bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, bệnh nhân ghép tạng, người thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng cũng có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn đáng kể.
đối tượng nên đi tầm soát ung thư máu

Hút thuốc là thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư

4. 12 Phương pháp tầm soát ung thư máu HIỆU QUẢ

4.1. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu được sử dụng để đánh giá chất lượng các thành phần có trong máu, nhằm phát hiện và theo dõi tình trạng ung thư máu. Xét nghiệm máu vốn được dùng để đánh giá rất nhiều bệnh lí khác nhau. Để thực hiện mục đích tầm soát ung thư máu, các xét nghiệm máu thường được quan tâm là:

4.1.1. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm mục đích xác định số lượng của từng loại tế bào trong máu. Các thông số quan trọng của xét nghiệm bao gồm:

  • Số lượng hồng cầu.
  • Số lượng và tỉ lệ từng loại bạch cầu.
  • Số lượng tiểu cầu.
  • Lượng huyết sắc tố (Hemoglobin): phản ánh khả năng vận chuyển oxy của máu.
  • Tỉ lệ hồng cầu trên thể tích máu toàn phần (Hematocrit).

Khi kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng tế bào máu thay đổi bất thường (giảm đồng loạt các loại tế bào, một loại tế bào có số lượng tăng đột biến), bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để kiểm tra kỹ hơn dưới kính hiển vi.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu thực hiện đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm chỉ phản ánh những bất thường trong mẫu máu người bệnh mà không phải căn cứ quyết định để chẩn đoán ung thư máu.

Tầm soát ung thư máu bằng phương pháp xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được dùng để chẩn đoán ung thư máu và nhiều bệnh lý khác

4.1.2. Xét nghiệm kiểm tra sàng lọc nhiễm trùng/nhiễm virus

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tìm một số loại virus có trong máu như: HIV, viêm gan B, viêm gan C. Nếu bệnh nhân dương tính với một hoặc nhiều chủng virus này, việc điều trị ung thư phải tiến hành đồng thời với việc điều trị bệnh do virus. Vì vậy, quá trình chữa bệnh ung thư máu sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

4.1.3. Xét nghiệm ure và chất điện giải trong máu

Xét nghiệm ure và chất điện giải nhằm đánh giá chức năng thận của bệnh nhân. Trong trường hợp chức năng thận suy giảm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị hạn chế gây tổn thương thận. Đồng thời, liều chỉ định của thuốc điều trị sẽ được hiệu chỉnh lại để phù hợp với tốc độ thải trừ của thận.

4.1.4. Xét nghiệm máu ngoại biên

Tầm soát ung thư máu bằng xét nghiệm máu ngoại biên nhằm mục đích quan sát các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) về kích cỡ và hình dạng. Vì vậy, kết quả xét nghiệm sẽ phản ánh mức độ khỏe mạnh của các tế bào máu tạo ra từ tủy xương.

4.1.5. Các xét nghiệm khác

Các xét nghiệm khác có thể dùng để xác định tình trạng ung thư máu là: phân tích tế bào theo dòng chảy, di truyền tế bào.

  • Phân tích tế bào theo dòng chảy: Tiến hành bằng cách đưa tế bào vào một dòng chất lỏng và cho chảy qua một thiết bị dò điện tử. Khi đó, thiết bị sẽ phân tích đồng thời các đặc tính về sinh, lý, hóa học của từng tế bào.
  • Phương pháp di truyền tế bào: Phân tích những biến đổi trong cấu trúc nhiễm sắc thể, cấu trúc gen để xác định tính chất di truyền của bệnh.

4.2. Sinh thiết

4.2.1. Sinh thiết hạch bạch huyết

Sinh thiết hạch bạch huyết là kĩ thuật lấy mẫu hạch bạch huyết để làm xét nghiệm giải phẫu chẩn đoán bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ chỉ ra cấu trúc và hình thái tế bào trong hạch.

Sinh thiết hạch bạch huyết nhằm mục đích chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết, ung thư máu và một số loại ung thư khác. Nhìn chung, đây là phương pháp tầm soát ung thư máu chính xác khi các xét nghiệm cơ bản chưa đủ căn cứ để chẩn đoán bệnh.

4.2.2. Sinh thiết tủy xương

Sinh thiết tủy xương được chỉ định khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy sự thay đổi bất thường về số lượng các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tủy xương ở xương hông, bằng cách chọc hút lấy dịch tủy hoặc khoan lấy tủy xương xốp.

Sinh thiết tủy xương dùng để xác định mức độ xâm lấn của tế bào ung thư trong tuy xương nhằm xác định giai đoạn bệnh ung thư máu.

Tầm soát ung thư máu bằng phương pháp sinh thiết tuỷ xương

Sinh thiết tủy xương là phương pháp tầm soát ung thư máu có độ chính xác rất cao

4.3. Các xét nghiệm hình ảnh

4.3.1. Chụp MRI

Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) nhằm kiểm tra tổng thể những tổn thương trên các mô mềm gây ra do ung thư máu. Hình ảnh MRI có độ sắc nét cao nên mang lại kết quả chẩn đoán rất chính xác.

Bên cạnh đó, chụp MRI sử dụng sóng điện từ thay vì tia xạ nên không gây ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị ung thư máu.

4.3.2. Chụp CT

Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) thực chất không phải xét nghiệm thông thường để phát hiện ung thư máu. Chụp CT chỉ được thực hiện khi có những tổn thương cụ thể tại cơ quan nào đó (sưng gan hoặc lách) do ung thư máu gây ra.

4.3.3. Chụp X-quang

Chụp X-quang nhằm giúp bác sĩ quan sát những bất thường ở các tổ chức trong cơ thể. Đối với tầm soát ung thư máu, chụp X-quang là một trong những biện pháp để đánh giá tình trạng u tủy xương ở người bệnh.

Tầm soát ung thư máu bằng phương pháp chụp X quang

Hình ảnh đa u tủy xương trên phim chụp X – quang

4.3.4. Chụp PET

Tế bào ung thư hấp thụ rất nhiều các nguyên tử phóng xạ. Tận dụng đặc tính này, một loại đường phóng xạ (FDG) sẽ được đưa vào cơ thể người bệnh. Dựa vào vị trí phân bố của các phân tử đường phóng xạ trên phim chụp PET, bác sĩ có thể xác định vị trí của các tế bào ung thư di căn.

Vì vậy, phương pháp chụp PET được sử dụng để xác định mức độ di căn đến các tổ chức khác của ung thư máu.

4.3.5. Siêu âm

Siêu âm cũng là một phương pháp dùng để quan sát những tổn thương tại các cơ quan cụ thể, ví dụ như lá lách bị phì đại do ung thư hạch gây ra. Bên cạnh đó, siêu âm cũng là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ quá trình sinh thiết hạch bạch huyết.

12 Xét nghiệm ung thư máu trong chuẩn đoán và điều trị

5. Lưu ý để tầm soát ung thư máu hiệu quả

Một vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình xét nghiệm, khiến cho việc đọc kết quả tầm soát ung thư máu trở nên khó khăn, thậm chí gây sai sót. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý trước khi làm xét nghiệm là:

Đối với xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: Một số loại thuốc hoặc bệnh lý viêm nhiễm có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Vì vậy, bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ thông tin về các loại thuốc đang dùng, hoặc các chứng bệnh mắc phải gần đây (đặc biệt là các bệnh viêm, nhiễm khuẩn…).

6. Chi phí tầm soát ung thư máu

Rất khó để xác định một con số chính xác cho chi phí tầm soát ung thư máu. Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Nhìn chung, chi phí tầm soát ung thư máu phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Loại ung thư máu bệnh nhân mắc phải: mỗi loại ung thư máu cần thực hiện những xét nghiệm khác nhau để có kết quả tầm soát chính xác.
  • Số lượng xét nghiệm cần thực hiện: bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để có kết luận cuối cùng
  • Loại xét nghiệm cần thực hiện.
  • Cơ sở y tế thực hiện tầm soát: mỗi cơ sở y tế có bảng giá dịch vụ khác nhau cho từng xét nghiệm cụ thể.

7. Địa điểm tầm soát ung thư máu uy tín, chất lượng

7.1. Tầm soát ung thư máu tại Việt Nam

7.1.1 Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được thành lập năm 1984, là cơ sở chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực máu. Viện không chỉ cung cấp các phương pháp tầm soát ung thư máu hiệu quả mà còn ứng dụng công nghệ ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư máu.

Tầm soát ung thư máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là cơ sở hàng đầu trong các lĩnh vực về máu

7.1.2 Bệnh viện K (Bệnh viện Ung bướu trung ương)

Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa ung thư lâu đời trong khu vực. Với đội ngũ bác sĩ rất giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, bệnh viện K là bệnh viện đầu ngành cả nước trong lĩnh vực tầm soát và điều trị các bệnh ung thư. Hiện nay, bệnh viện K đã thành lập 3 cơ sở để phục vụ nhu cầu của đông đảo bệnh nhân.

Bệnh viện K đang thực hiện trọn các gói phác đồ tầm soát và điều trị cho rất nhiều bệnh ung thư khác nhau, trong đó có ung thư máu.

7.1.3 Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến trung ương hàng đầu miền Bắc nước ta. Đến với bệnh viện Bạch Mai, bạn có thể lựa chọn tầm soát ung thư máu tại:

  • Phòng tư vấn và tái khám tại tầng 1 thuộc Trung tâm Y học Hạt nhân Và Ung bướu.
  • Phòng khám chuyên khoa Ung bướu tại các buồng số 1 và 2 tại phòng 311 của tầng 3, Khoa Khám bệnh.
  • Phòng khám Chuyên khoa Ung bướu: buồng 1, phòng 414, tầng 4 thuộc Khoa Khám bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai được đông đảo bệnh nhân tin tưởng vì sở hữu đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi cùng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.

7.1.4 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở chuyên khoa ung thư hàng đầu miền Nam hiện nay. Bệnh viện luôn chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời trang bị rất nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc khám chữa bệnh.

Bệnh viện bao gồm nhiều chuyên khoa ung thư, cung cấp cho người bệnh những lựa chọn tầm soát và điều trị ung thư hiệu quả.

Tầm soát ung thư máu tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa ung thư hàng đầu cả nước

7.1.5 Bệnh viện Nhân dân 115 – Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân

Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân của bệnh viện chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2011. Kể từ đó đến nay, khoa đã tiếp nhận trung bình 30.000 lượt bệnh nhân mỗi năm từ khắp mọi miền cả nước.

Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư có độ chính xác cao, đồng thời tiến hành điều trị đa mô thức với nhiều bệnh lí ung thư khác nhau.

7.2. Tầm soát ung thư máu tại Nhật Bản

Nhật Bản hiện đang xếp hạng 1 về dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Đồng thời, Nhật Bản đầu tư ngân sách rất lớn trong lĩnh vực y tế, với mục tiêu tìm ra các phương pháp chữa bệnh tốt nhất và trang bị hệ thống cơ sở thiết bị hiện đại. Vì vậy, Nhật Bản nằm trong danh sách những quốc gia có tỉ lệ điều trị thành công bệnh ung thư cao nhất thế giới.

Hoạt động tầm soát và điều trị ung thư máu cũng như các loại ung thư khác tại Nhật Bản cũng được đánh giá rất cao. Thành quả trên đạt được là nhờ đội ngũ bác sĩ trình độ cao cùng với hệ thống thiết bị khám chữa bệnh ung thư tân tiến.

IMS Việt Nam là đối tác đáng tin cậy khi bạn có nhu cầu khám chữa bệnh tại Nhật Bản. IMS Việt Nam là công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế Nhật Bản, giúp người bệnh lựa chọn bệnh viện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe. IMS Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ tận tình và chu đáo với các dịch vụ như: xin visa, hỗ trợ phiên dịch, bảo mật thông tin tuyệt đối…

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ du lịch khám bệnh, bạn có thể liên hệ với IMS Việt Nam qua:

  • Địa chỉ: 11-01, tầng 11, tòa nhà Prime Centre, số 53 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
  • Hotline: 024 3944 0914
  • Email: info@iims-vnm.com
  • Trang web chính thức: https://iims-vnm.com/

Tầm soát ung thư máu đóng vai trò hết sức quan trọng để phát hiện sớm ung thư và nâng cao hiệu quả điều trị. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức bổ ích giúp bạn thực hiện tầm soát ung thư máu đạt kết quả chính xác nhất.

Bình luận đã bị đóng.

Liên hệ