Tầm soát ung thư xương

Tin mới 24/03/2020 13:59:06. Views: 5,608.

Ung thư xương là một kẻ thù thầm lặng đối với sức khỏe chúng ta. Bệnh có tỷ lệ mắc tương đối thấp, biểu hiện ban đầu mờ nhạt nhưng lại có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm. Vì vậy, hãy tầm soát ung thư xương ngay lập tức để có chẩn đoán kịp thời về căn bệnh nguy hiểm này.

Xem thêm: TOP 7 xét nghiệm ung thư xương [CHÍNH XÁC NHẤT]

1. TẠI SAO nên tầm soát ung thư xương?

Ung thư xương diễn biến âm thầm và chia thành nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng khiến người bệnh rất khó phát hiện. Bệnh nhân thường không thể tự phát hiện bệnh, hoặc chỉ nhận ra cơ thể đang mắc bệnh khi bệnh đã tiến triển nặng, gây khó khăn trong việc điều trị.

Vì vậy, các xét nghiệm chuyên sâu để tầm soát ung thư xương đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh từ sớm. Tỷ lệ sống sót và hiệu quả điều trị ung thư xương phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị. Thống kê về tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư xương cho kết quả như sau:

  • Giai đoạn I: 80%
  • Giai đoạn II: 70%
  • Giai đoạn III: 60%
  • Giai đoạn IV: 20 – 50%

Kết quả cho thấy, việc tầm soát ung thư xương để phát hiện bệnh sớm từ giai đoạn I giúp tỉ lệ sống sót sau 5 năm điều trị lên tới 80%. Trong khi đó, nếu chỉ căn cứ vào triệu chứng thông thường, đa số bệnh nhân chỉ phát hiện ung thư khi bệnh ở giai đoạn III hoặc IV. Việc điều trị lúc này trở nên rất tốn kém trong khi tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm vẫn ở mức cao.

Lý do nên tầm soát ung thư xương

Ung thư xương có tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời

2. Có 8 dấu hiệu này nên tầm soát ung thư xương NGAY

Khi khối u phát triển đến một mức độ nhất định, các triệu chứng sẽ xuất hiện ngày càng rõ ràng và thường xuyên hơn. Nếu gặp phải những dấu hiệu cảnh báo sau, bạn nên khám tầm soát ung thư xương sớm nhất có thể để kịp thời phát hiện và đánh giá sự phát triển của khối u.

  • Đau xương: đặc điểm của cơn đau là thường xuất hiện vào buổi đêm, đau mơ hồ không xác định được vị trí chính xác. Ban đầu, các cơn đau thường nhẹ và xảy ra không thường xuyên. Sau đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tăng dần cả về mức độ đau và tần suất gặp cơn đau.
  • Sưng hoặc nổi u cục: ban đầu, bạn có thể sờ thấy xương bị biến dạng, có u cục lồi lên tại vị trí xuất hiện khối u. Dần dần, khối u phát triển khiến mô xương nhô ra ngoài gây đau nhức xương. Đồng thời, vùng da tại vị trí u cục có màu hồng hơn và nóng hơn so với các khu vực xung quanh.
  • Rối loạn chức năng xương: tình trạng biến dạng xương có thể gây ra teo cơ, ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động của hệ cơ – xương.
  • Dễ bị gãy xương: khu vực xương nơi khối u phát triển trở nên yếu và dễ gãy, đặc biệt khi bệnh nhân bị ngã hoặc va chạm mạnh với một bề mặt rắn khác.
  • Cơ thể bị biến dạng: khối u tăng sinh làm thay đổi hình dạng xương và gây ảnh hưởng đến cấu trúc toàn bộ khung xương, dẫn tới dị tật và biến dạng cơ thể.
  • Dấu hiệu bị nén ép: khối u tăng kích thước không chỉ ảnh hưởng đến xương, mà còn gây chèn ép các tổ chức xung quanh. Khối u nằm trong khoang mũi gây đè nén vào mũi, dẫn đến các bệnh lí đường hô hấp. Khối u tăng sinh trong vùng chậu gây chèn ép đa cơ quan như bàng quang, trực tràng, ruột, gây ra khó đi tiểu hoặc rối loạn chức năng tiêu hóa. Khối u tại cột sống lưng có thể ảnh hưởng đến tủy sống, gây ra liệt.
  • Suy nhược cơ thể: ung thư xương giai đoạn muộn có thể ảnh hưởng đến toàn cơ thể và gây suy nhược trầm trọng. Hàm lượng canxi trong máu gia tăng dẫn đến các triệu chứng như: mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, buồn nôn. Đồng thời, tế bào ung thư di căn đến các cơ quan, tổ chức khác nhau gây tác hại rất lớn đối với các chức năng sinh lí của cơ thể, đặc biệt là tại các vị trí như não, phổi, gan.

Vị trí hay gặp ung thư xương: đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay, đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, xương bả vai, xương chậu,…

Vị trí đầu trên xương cánh tay hay bị ung thư xương

Ung thư đầu trên xương cánh tay

3. Ai nên khám ung thư xương?

Các đối tượng gặp phải một hoặc một vài yếu tố nguy cơ sau đây nên đi khám tầm soát ung thư xương để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời:

  • Đã từng phơi nhiễm phóng xạ hoặc đã xạ trị trước đó.
  • Di truyền: một số bệnh lý di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương
    • Bệnh u nguyên bào võng mạc di truyền: thực chất là một loại ung thư mắt. Trẻ em mắc phải căn bệnh này có nguy cơ cao mắc ung thư xương.
    • Đối tượng có người thân trong gia đình mắc hội chứng Li – Fraumeni (hội chứng có thể dẫn tới sự phát triển một số bệnh ung thư: ung thư xương, ung thư não, ung thư vỏ thượng thận, ung thư vú…).
  • Bệnh Paget xương: hay còn gọi là viêm xương khớp biến dạng. Bệnh gây ra do sự rối loạn cơ chế tạo xương và hủy xương, dẫn tới hình thành một tổ chức xương có cấu trúc bất thường. Vì vậy, có thể coi bệnh Paget xương là một dạng tiền ung thư lành tính.
  • Người làm việc trong môi trường nhiều bức xạ: môi trường làm việc nhiều bức xạ được chia thành 3 nhóm chính.
    • Nhóm 1: các cơ sở trực tiếp tham gia nghiên cứu, khai thác, xử lí, lưu trữ các chất phóng xạ như: mỏ quặng phóng xạ, nhà máy khai thác và xử lí quặng phóng xạ, các lò phản ứng, trung tâm nghiên cứu phóng xạ, cơ sở nghiên cứu và sản xuất các nguyên tố phóng xạ, cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ…
    • Nhóm 2: các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, sinh học, hóa học sử dụng sử dụng các bức xạ ion hóa.
    • Nhóm 3: các khoa xét nghiệm sử dụng máy phát tia X.
Đối tượng nên tầm soát ung thư xương

Bức xạ tia X làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương

4. 7 Xét nghiệm ung thư xương phổ biến chính xác

4.1. Tầm soát ung thư xương bằng xét nghiệm hình ảnh

4.1.1. Chụp X-quang

Chụp X-quang là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để tầm soát ung thư xương. Phim chụp X-quang có thể hiển thị rõ nét hình dạng và vị trí khối u, đồng thời xác định xem khối u đã xâm lấn các tổ chức xung quanh hay chưa.

Tuy nhiên, phần lớn các phương pháp chụp X-quang hiện nay không thể khẳng định chắc chắn một cấu trúc nghi vấn có phải ung thư hay không, hoặc ung thư đang ở giai đoạn nào.

Hình ảnh chụp X-quang khi tầm soát ung thư xương

Hình ảnh ung thư xương trên phim chụp X – quang

4.1.2. Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Phương pháp chụp CT được sử dụng để tầm soát ung thư xương đã di căn sang cơ quan khác như não, gan,…

Bên cạnh đó, chụp CT cũng là công cụ hỗ trợ khi tiến hành đưa kim sinh thiết vào trong khối u. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT trong suốt quá trình luồn kim sinh thiết từ bên ngoài vào, cho đến khi đầu kim ở vị trí phù hợp ở bên trong khối u.

4.1.3. Chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI)

Chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chiếu các loại sóng điện từ và sóng radio vào cơ thể bệnh nhân. Các tín hiệu phát ra được máy thu nhận và chuyển đổi thành dạng hình ảnh. Hình ảnh MRI có độ sắc nét và tương phản rất tốt nên mang đến hiệu quả chẩn đoán cao hơn so với các phương pháp siêu âm, chụp X-quang hay chụp CT.

Bên cạnh đó, phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI không sử dụng tia xạ nên rất an toàn với bệnh nhân.
Vì vậy, chụp MRI là phương pháp chính xác nhất để tầm soát ung thư và được các bác sĩ đánh giá rất cao.

4.1.4. Chụp xạ hình xương

Chụp xạ hình xương có độ nhạy cao, thường được bác sĩ áp dụng để xác định ung thư xương đã lan sang các xương khác hay chưa. Đồng thời, kỹ thuật chụp xạ hình xương là phương pháp duy nhất hiện nay có thể chẩn đoán chức năng hệ xương bằng hình ảnh. Các phương pháp khác như chụp X-quang, chụp CT chỉ cho kết quả về cấu trúc giải phẫu mà không đánh giá được chức năng hệ thống xương.

Tuy nhiên, hình ảnh khối u trong kết quả xạ hình xương dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác về xương như: nhiễm trùng xương, viêm khớp. Do đó, bác sĩ cần làm thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư xương khác để đưa ra kết luận chính xác nhất.

Hình ảnh chụp xạ hình xương tầm soát ung thư xương

Hình ảnh ung thư xương đã di căn trên phim chụp xạ hình xương

4.1.5. Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Tế bào ung thư rất ưa thích hấp thu các phân tử đường phóng xạ. Tận dụng đặc tính trên, phương pháp PET đưa một loại đường đặc biệt (có gắn nguyên tử phóng xạ) vào trong cơ thể người xét nghiệm. Tế bào ung thư sẽ được xác định dựa vào vị trí phân bố của các phân tử đường phóng xạ.

Phương pháp PET thường được kết hợp với phương pháp chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để cho kết quả tầm soát ung thư xương chuẩn xác.

4.2. Tầm soát ung thư xương bằng sinh thiết

Sinh thiết nói chung là phương pháp lấy ra một mảnh mô nhỏ từ khối u nghi vấn để kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong phòng thí nghiệm. So với phương pháp xét nghiệm hình ảnh, phương pháp sinh thiết cho kết quả chính xác hơn để xác định khối u lành tính hay ác tính. Có 2 phương pháp sinh thiết cơ bản:

4.2.1. Sinh thiết bằng kim

Phương pháp này sử dụng mũi kim đâm xuyên qua lớp da để tiếp cận vị trí khối u. Đầu tiên, bác sĩ sẽ làm tê khi vực cần sinh thiết trước khi đưa mũi kim vào. Phương pháp sinh thiết bằng kim có thể sử dụng 2 loại mũi kim: mũi kim nhỏ hoặc mũi kim to.

  • Khi sử dụng mũi kim nhỏ, kim được gắn với ống tiêm để tạo áp suất âm, hút lấy dịch và một số tế bào của khối u.
  • Khi sử dụng mũi kim to, mũi kim sẽ dùng lực cơ học tách một phần mô của khối u để lấy ra ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả tầm soát ung thư xương của mũi kim to tốt hơn so với mũi kim nhỏ.

4.2.2. Sinh thiết mở

Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ phải phẫu thuật rạch cắt lớp da bên ngoài để tiếp cận khối u. Vì vậy, bệnh nhân cần được gây tê diện rộng, hoặc gây mê toàn thân trước khi tiến hành phương pháp sinh thiết mở. Sau đó, một phần mô nhỏ của khối u sẽ được lấy ra để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán.

Phương pháp sinh thiết mở có thể áp dụng để cắt toàn bộ khối u (sinh thiết cắt bỏ).

Tầm soát ung thư xương bằng phương pháp sinh thiết

Phương pháp sinh thiết sẽ cho ra kết quả chính xác để xác định khối u 

5. Lưu ý để tầm soát ung thư hiệu quả

Các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm tầm soát ung thư xương. Riêng đối với phương pháp chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), bệnh nhân có một vài lưu ý sau:

  • Không mặc quần áo có chứa mảnh kim loại, đồng thời phải tháo bỏ tất cả trang sức, phụ kiện chứa kim loại trên người để tránh gây nhiễu kết quả trong quá trình chụp
  • Với những trường hợp dự kiến cần tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tiêm thuốc từ 4 tiếng trở lên. Bên cạnh đó, bạn cần thông báo với bác sĩ có tiền sử các bệnh lý như: suy giảm chức năng thận, bệnh cường giáp, dị ứng với thuốc, đặc biệt là thuốc cản quang.
  • Các phương pháp xét nghiệm đều có thể sai sót, dẫn đến dương tính giả hoặc âm tính giả.
    • Dương tính giả (xét nghiệm cho ra kết quả ung thư nhưng thực tế không mắc bệnh): gây tổn hại tinh thần, tốn kém cho việc thực hiện thêm các xét nghiệm và điều trị.
    • Âm tính giả (thực tế mắc ung thư nhưng xét nghiệm ra kết quả bình thường): gây ra bỏ sót chẩn đoán, bệnh nhân không được phát hiện kịp thời tình trạng bệnh mặc dù đã mất chi phí xét nghiệm.

Xem thêm: [GIẢI ĐÁP] Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư xương không?

6. Chi phí tầm soát ung thư xương

Rất khó để đưa ra một con số cụ thể cho chi phí tầm soát ung thư xương. Mức chi phí cho việc tầm soát ung thư xương phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Số lượng xét nghiệm cần thực hiện: sau khi hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn.
  • Loại xét nghiệm cần thực hiện
  • Cơ sở y tế thực hiện tầm soát: mỗi cơ sở y tế có bảng giá dịch vụ khác nhau cho từng xét nghiệm.

7. Địa điểm tầm soát ung thư xương uy tín

7.1. Khám tầm soát ung thư xương tại Việt Nam

7.1.1 Bệnh viện K

Bệnh viện K được thành lập từ năm 1923, là cơ sở đầu ngành trên cả nước với bề dày truyền thống về nghiên cứu và phòng chống ung thư. Bệnh viện K sở hữu đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, cùng với hệ thống máy móc phục vụ tầm soát và điều trị ung thư tân tiến nhất hiện nay

Ưu thế nổi trội của bệnh viện K là khả năng tầm soát mô ung thư chính xác, cũng như thực hiện trọn gói các phác đồ điều trị cho nhiều loại ung thư khác nhau.

Tầm soát ung thư xương tại bệnh viện K

Bệnh viện K là cơ sở đầu ngành cả nước trên cả nước về nghiên cứu và phòng chống ung thư

7.1.2 Khoa Y học Hạt nhân trực thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Khoa Y học Hạt nhân ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của y học hạt nhân trong việc phát hiện và điều trị ung thư cũng như nhiều loại bệnh khác. Đồng thời, cơ sở áp dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) kết hợp với chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể tầm soát ung thư xương toàn cơ thể.

7.1.3 Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến trung ương hàng đầu cả nước với đội ngũ bác sĩ rất tận tâm và có trình độ chuyên môn rất cao. Trong đó, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu là một cơ sở uy tín cho người bệnh nhờ ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại để phòng ngừa và điều trị ung thư.

Kỹ thuật tiên tiến nhất của Trung tâm là phương pháp phẫu thuật sử dụng dao mổ gamma trong điều trị ung thư. Đây là phương pháp mổ sử dụng tia gamma rất mảnh, năng lượng cao thay cho dao kéo thông thường.

7.1.4 Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park sở hữu trang thiết bị y tế hiện đại hàng đầu trên cả nước. Khoa Ung bướu trực thuộc bệnh viện cũng được trang bị hệ thống máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tối đa cho các hoạt động can thiệp ung thư.

Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện là những chuyên gia đầu ngành, luôn tận tụy, chu đáo và nỗ lực hết mình vì người bệnh. Đồng thời, bệnh viện thường xuyên có kế hoạch trao đổi chuyên môn, hợp tác chuyển giao công nghệ với các bệnh viện, trung tâm y tế ở những quốc gia có nền y học phát triển như: Singapore, Pháp, Mỹ…

Trang thiết bị bệnh viện Vinmec tầm soát ung thư xương

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park sở hữu trang thiết bị y tế hiện đại

7.1.5 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa ung bướu đầu ngành của cả nước. Bệnh viện có rất nhiều chuyên khoa tương ứng với các biện pháp chữa bệnh ung thư khác nhau: khoa y học hạt nhân, khoa nội, khoa ngoại… để thực hiện khám và điều trị hầu hết các bệnh lý ung thư hiện nay.

7.2. Khám tầm soát ung thư xương tại Nhật Bản

Hiện nay, rất nhiều người Việt lựa chọn khám chữa bệnh tại các quốc gia có nền y học phát triển. Trong đó, Nhật Bản với nền y học hàng đầu thế giới là lựa chọn không thể bỏ qua.

Nhật Bản là quốc gia được xếp hạng 1 về chăm sóc sức khỏe trên thế giới, luôn tập trung nghiên cứu y học để tìm ra các phương pháp chữa bệnh mới đạt hiệu tối ưu. Vì vậy, Nhật Bản nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ điều trị thành công ung thư cao nhất thế giới.

Nếu bạn có nhu cầu thực hiện tầm soát ung thư xương tại Nhật Bản, IMS Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn hoàn tất mọi thủ tục cần thiết. IMS Việt Nam là công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế Nhật Bản, giúp người bệnh lựa chọn bệnh viện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe. Mọi hoạt động như xin visa, hỗ trợ phiên dịch, bảo mật thông tin tuyệt đối… đều được IMS Việt Nam hỗ trợ tận tình và chu đáo.

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ du lịch khám bệnh, bạn có thể liên hệ với IMS Việt Nam qua:

  • Địa chỉ: 11-01, tầng 11, tòa nhà Prime Centre, số 53 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
  • Hotline: 024 3944 0914
  • Email: info@iims-vnm.com
  • Trang web chính thức: https://iims-vnm.com/

Tầm soát ung thư xương đóng vai trò hết sức quan trọng để phát hiện sớm ung thư và giúp việc điều trị đạt kết quả cao. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức bổ ích giúp bạn thực hiện tầm soát ung thư đạt kết quả chính xác nhất.

Bình luận đã bị đóng.