Du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Tin mới 15/12/2019 10:22:58. Views: 5,187.

Du lịch chữa bệnh tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang là xu hướng mới và ngày càng phát triển. Bởi theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Zion, năm 2017, giá trị của du lịch chữa bệnh là 15,5 tỷ đô la. Ước tính đến năm 2024, con số này sẽ tăng lên 28 tỷ đô la. Vậy tình hình du lịch chữa bệnh tại Việt Nam thế nào? Hãy cùng IIMS Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Giải đáp tất tần tật thắc mắc về du lịch chữa bệnh của bạn

1. Khái niệm du lịch chữa bệnh

Du lịch chữa bệnh còn được gọi là du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe (medical tourism hay medical travel). Đây là hình thức du lịch kết hợp với khám, chữa bệnh nhằm mục đích tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người sử dụng.

Khi tham gia hình thức du lịch chữa bệnh, du khách sẽ đi đến một tỉnh thành khác hoặc quốc gia khác để tham gia các hoạt động du lịch, tìm hiểu tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực nơi đó. Đồng thời du khách cũng được tham gia các hình thức khám chữa bệnh như khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe chuyên sâu, tầm soát ung thư, điều trị bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ…

Du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Du lịch chữa bệnh là hình thức du lịch kết hợp với khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế

2. Tiềm năng và lợi thế du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Tuy du lịch khám chữa bệnh là một hình thức mới nhưng Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.

2.1. Tiềm năng

Việt Nam có tiềm năng khá lớn về du lịch chữa bệnh. Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017:

  • Hồ Chí Minh có từ 30.000 đến 40.000 lượt khách nước ngoài tới khám chữa bệnh mang tới doanh thu 1 tỷ USD.
  • Chỉ tính bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng có 130 – 140 người/tháng từ 40 quốc gia trên thế giới tới khám chữa bệnh, trong đó 10% là đến từ Mỹ và Hàn Quốc. Chủ yếu những người khách này đến chữa bệnh nam khoa và thẩm mỹ.

2.2. Lợi thế

Bên cạnh những tiềm năng kể trên, Việt Nam còn có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, con người và truyền thống y học để phát triển du lịch chữa bệnh.

  • Việt Nam có nền y học cổ truyền uy tín và phát triển: Trong khi các nước trên thế giới đang phát triển du lịch chữa bệnh theo Tây y thì Việt Nam lại phát triển chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền như Đông y, châm cứu… Hầu hết du khách nước ngoài đều rất thích được bắt mạch, trị liệu theo phương pháp cổ truyền phương Đông cũng như có phản hồi tốt về du lịch chữa bệnh tại Việt Nam.
  • Du lịch và chữa bệnh là đề án mới: Vì là đề án mới, chưa khai thác nhiều nên du lịch chữa bệnh có nhiều cơ hội phát triển. Hiện nay, ở các khu du lịch nghỉ dưỡng, spa đã có nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp được du khách yêu thích.
  • Chi phí rẻ du lịch và chữa bệnh tại Việt Nam rẻ: Tại một số bệnh viện Việt Nam, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, biết tiếng Anh, có đội ngũ phiên dịch hỗ trợ giỏi, trang thiết bị kỹ thuật y tế tốt nhưng chi phí chỉ bằng 20% đến 50% chi phí chữa bệnh ở nước ngoài. Ví dụ:
    • Chi phí làm răng sứ: Ở Việt Nam là 100 – 300 USD/răng. Ở châu u là hàng nghìn USD.
    • Chi phí phẫu thuật căng da mặt: Ở Việt Nam là 2.000 – 3.000 USD. Ở nước ngoài là 10.000USD.
    • Phẫu thuật implant: Ở Việt Nam là 800 – 1.000 USD. Còn ở nước ngoài là 2.000 – 5.000 USD.
Lợi thế du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Y học cổ truyền hứa hẹn sẽ là hướng phát triển đầy tiềm năng cho du lịch khám chữa bệnh tại Việt Nam

3. Thực trạng về du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Thực trạng du lịch chữa bệnh tại Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh như đội ngũ y bác sĩ, cơ sở hạ tầng, tình trạng khám chữa bệnh và quảng bá…

3.1. Đội ngũ y bác sĩ, cơ sở hạ tầng

Các bệnh viện Việt Nam đều có đội ngũ y bác sĩ giỏi, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển nhưng để phát triển loại hình dịch vụ khám chữa bệnh thì vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

3.1.1.Trình độ của đội ngũ y bác sĩ

Đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam có trình độ nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Ưu điểm: Nhiều bác sĩ có trình độ giỏi, được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu công việc và không hề thua kém các nước khác.

  • Các bác sĩ Việt Nam được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa trị bệnh ung thư, nhất là ung thư vú hơn một số nước.
  • Bác sĩ ở một số bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Bạch Mai, Nhi trung ương, Từ Dũ,… còn giảng dạy về phẫu thuật nội soi, hiếm muộn,… cho các bác sĩ nước ngoài.

Nhược điểm:

  • Nhiều bác sĩ còn hạn chế về giao tiếp tiếng Anh.
  • Các bệnh viện có bác sĩ giỏi tiếng Anh và đội ngũ phiên dịch hỗ trợ chuyên nghiệp còn khá ít.
  • Còn tồn tại một số bác sĩ có trình độ kém: Theo một giám đốc bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn tình trạng “chỉ 20% tốt, 60% trung bình, 20% rất yếu”.
  • Có một số bác sĩ suy giảm tinh thần trách nhiệm, đánh mất lương tâm thầy thuốc gây lãng phí cơ sở vật chất, mất niềm tin nơi bệnh nhân.

3.1.2. Cơ sở hạ tầng bệnh viện

Cùng với đội ngũ y bác sĩ thì cơ sở hạ tầng bệnh viện cũng có nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Ưu điểm:

  • Nhiều công nghệ kỹ thuật mới, hiện đại và chuyên sâu đã được triển khai: Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt, phẫu thuật hàm mặt và sọ mặt, cấy ghép nha khoa…
  • Nhiều kỹ thuật chuyên môn cao được ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh: Thụ tinh ống nghiệm, ghép nội tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, ứng dụng rô-bốt định vị trong phẫu thuật cột sống và nội soi nhi khoa…

Nhược điểm: Có một thời gian dài, cơ sở vật chất chưa được quan tâm, không đủ giường cho bệnh nhân dẫn đến tình trạng “ba bệnh nhân một giường”, “100 người chung nhau nhà vệ sinh”.

Ví dụ: Bệnh viện Việt Đức có khả năng mổ những ca phức tạp nhưng lại không có đủ phòng mổ. Chi phí mỗi năm bệnh viện cần có là 750 tỷ đến 800 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ được nhà nước cấp cho 17 tỷ đồng – 1 số tiền quá ít, đến nỗi không đủ trả hai tháng lương cho nhân viên. Vì chi phí quá đắt đỏ, bệnh viện không dám bỏ tiền ra xây mới phòng mổ và quảng cáo.

Thực trạng du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện VIệt Nam vẫn còn nhiều

3.2. Phương pháp chữa bệnh

Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ, cơ sở hạ tầng thì phương pháp chữa bệnh cũng là một trong những vấn đề nằm mà Việt Nam cần quan tâm.

Ưu điểm: Phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, đông y, luyện khí công,…được biết đến là thế mạnh của y học Việt Nam. Bệnh viện châm cứu Việt Nam đã được thế giới công nhận có khả năng chữa được 53 bệnh.

Nhược điểm: Du lịch chữa bệnh tại Việt Nam, trong đó có phương pháp chữa bệnh cổ truyền chưa được quảng bá, phát triển nhiều. Các công ty du lịch trong nước chưa chú ý tới loại hình dịch vụ này, nhất là với thị trường nước ngoài.

3.3. Tình hình cụ thể của du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Với những ưu nhược điểm như trên, loại hình du lịch chữa bệnh tại Việt Nam đã có một số bước tiến đáng kể nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề, cần tìm ra phương án giải quyết để phát triển.

3.3.1. Những vấn đề đã thực hiện được, cần phát huy

Trước tiên, Việt Nam đã làm được một số việc để thúc đẩy loại hình du lịch chữa bệnh phát triển như:

  • Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời, được nhiều du khách biết đến và đang tiếp tục phát triển
    • Cách chữa bệnh không cần dùng thuốc như yoga, khí công, châm cứu và chữa bệnh bằng thuốc nam đang được người nước ngoài biết đến và muốn sử dụng.
    • Việt Nam có một số bệnh viện y học cổ truyền lớn, uy tín như bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, bệnh viện châm cứu Trung ương, viện Y dược học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh.
  • Loại hình dịch vụ chữa bệnh đã được ngành du lịch và y tế bước đầu phối hợp thực hiện: Sở Y tế và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau xây dựng “sổ tay du lịch y tế” (có cả tiếng Anh và tiếng Việt).
    Quyển sổ này giới thiệu các gói, sản phẩm dịch vụ du lịch kết hợp với tập dưỡng sinh nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh, châm cứu cho du khách tại một số bệnh viện như viện nhi đồng, da liễu, tim, tai mũi họng, răng hàm mặt của thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở khám chữa bệnh khác ở các tỉnh.
  • Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một số bệnh viện lớn, trang bị cơ sở kỹ thuật y tế hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để thu hút du khách chữa bệnh từ nước ngoài: Các bệnh viện này kinh doanh theo mô hình của các bệnh viện trong khu vực nhằm thu hút du khách từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia…
  • Một số chương trình nghiên cứu về du lịch chữa bệnh được triển khai và bước đầu được quảng bá:
    • Vào tháng 11 năm 2016, GS. Nguyễn Tài Thu đã lập đề án du lịch châm cứu nâng cao sức khỏe và chữa bệnh rồi trực tiếp triển khai. Chương trình này khai thác phong thủy, văn hóa Việt Nam đồng thời ứng dụng tinh hoa y học dân tộc vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe và chữa bệnh cho du khách nước ngoài.
    • GS. Nguyễn Tài Thu đã kết hợp với Tập đoàn Y học Quốc tế Du lịch, NTT Acupuncture Medical Tourism International Group (Thụy Điển) để quảng bá, tổ chức các tour du lịch châm cứu kết hợp khí công chữa bệnh cho du khách khi đến Việt Nam.
    • Một số du khách nước ngoài (chủ yếu đến từ Thụy Điển, Australia, Đức…) đã biết đến một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh là thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu. Và nhiều du khách đã đến Việt Nam để du lịch chữa bệnh.
  • Bước đầu thu hút được khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh: Mỗi năm, ngành răng hàm mặt có hàng chục nghìn du khách nước ngoài đến điều trị bệnh.
  • Tại Việt Nam đã có một số mô hình du lịch chữa bệnh: Khu du lịch chữa bệnh Bảo Long thuộc Tập đoàn Y Dược Bảo Long nằm ở thôn Trại Hồ (Sơn Tây, Hà Nội) được du khách yêu thích. Tại đây, du khách được tham quan trực tiếp nơi trồng các cây thuốc quý hiếm, chỗ bào chế thuốc, siêu thị thuốc chứa hàng ngàn sản phẩm Đông dược…
Tình hình cụ thể du lịch chữa bệnh tại Việt Nam

Một số du khách nước ngoài đã đến Việt Nam du lịch kết hợp với khám chữa bệnh nhưng vẫn còn ít

3.3.2. Những vấn đề còn tồn tại, cần được quan tâm, giải quyết

Tuy đã bước đầu quan tâm và thực hiện một số chương trình du lịch chữa bệnh nhưng loại hình du lịch chữa bệnh Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề:

  • Du khách đến Việt Nam theo loại hình dịch vụ này còn ít: Chỉ khoảng vài trăm khách du lịch đến Việt Nam chữa bệnh mỗi năm nên doanh thu không đáng kể
  • Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh tại những khu du lịch nước khoáng nóng trên khắp cả nước có nhiều tiềm năng nhưng dịch vụ còn yếu kém: Nhiều bác sĩ chưa sử dụng thông thạo tiếng Anh, thiếu đội ngũ phiên dịch viên, nhân viên phục vụ chưa chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất cũ, thiếu các thiết bị y tế hiện đại. Vì thế, du khách đến và ở lại những khu du lịch đó trong thời gian rất ngắn, chỉ vài giờ.

3.3.3. Các biện pháp giải quyết để thúc đẩy du lịch chữa bệnh tại Việt Nam phát triển

Để du lịch chữa bệnh tại Việt Nam phát triển, phát huy được tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, cần có các biện pháp sau:

  • Cần có sự quan tâm và phối hợp hành động hơn nữa của các cấp, sở, ban ngành liên quan, đặc biệt là hai ngành du lịch và y tế.
  • Cần chủ động quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở y tế chất lượng cao: Xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất, hiện đại hóa các trang thiết bị. Các bệnh viện, cơ sở y tế ở phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất của y tế và du lịch, phải khám chữa bệnh theo quy chế hoạt động và mức giá, chất lượng dịch vụ phải thống nhất, phù hợp với du khách nước ngoài.
  • Đào tạo đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, sử dụng thành thạo tiếng Anh; đội ngũ nhân viên phục vụ có ý thức, nhiệt tình
  • Cần xây dựng hệ thống thông tin cập nhất đầy đủ thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam như địa chỉ, danh mục khám, giá cả…
  • Có thể mở thêm các tour du lịch khám chữa bệnh bằng Đông y, tạo ra nhiều chương trình liên quan
  • Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở y tế và các công ty du lịch
  • Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch – y tế ở trong và ngoài nước: Cần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, liên kết với các tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh quảng bá du lịch chữa bệnh tại Việt Nam để ngày càng có nhiều du khách nước ngoài biết và sử dịch vụ.
  • Khắc phục tình trạng thiếu thông tin và ngăn chặn tình trạng quảng cáo khám chữa bệnh giả mạo, sai sự thật.

Tìm hiểu thông tin mô hình du lịch chữa bệnh Nhật Bản

Nhìn chung, dịch vụ du lịch chữa bệnh tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác, lợi thế để phát triển và đã đạt được một số bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, cần khắc phục, phát triển thêm. Hy vọng, trong tương lai gần du lịch chữa bệnh tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển để có nhiều du khách quốc tế ghé thăm và sử dụng dịch vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *