Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung (HPV)

Tin mới 07/07/2021 13:54:36. Views: 3,546.

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm hàng đầu ở phụ nữ. Đây là căn bệnh phổ biến đứng thứ hai ở phụ nữ trên thế giới và xếp thứ 4 về các bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong. Chính vì vậy, tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung là cách thức hữu hiệu nhất giúp bạn tránh được nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng bạn cần biết về ung thư cổ tử cung và tiêm phòng HPV.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung dài khoảng 5cm, nằm giữa tử cung và âm đạo, đóng vai trò rất lớn trong quá trình sinh sản và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung và có khoảng 250.000 ca tử vong.

Ung thư cổ tử cung gồm hai thể là ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô dạng biểu bì. Các ung thư biểu mô dạng biểu bì phổ biến hơn cả, chiếm 90 – 95% các trường hợp mắc bệnh.

Gần như 99% trường hợp bị ung thư cổ tử cung đều liên quan đến việc nhiễm HPV (Human Papilloma Virus).

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Có những loại vắc xin có thể giúp bạn bảo vệ khỏi bị nhiễm một số tuýp HPV nhất định. Tiêm phòng là phương pháp tốt nhất giúp bạn chủ động ngăn chặn mầm bệnh từ sớm.

Xem thêm:

Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV) là gì?

Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung bản chất là loại vắc xin phòng các bệnh ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Ngoài ra, HPV cũng có liên quan đến những ung thư khác như ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư vùng đầu và cổ.

Hiện nay, có hơn 140 tuýp Papillomavirus (HPV) được phát hiện ở người. Trong đó, có khoảng 40 loại có thể nhiễm vào miệng, cổ họng và vùng sinh dục (như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, hậu môn, bìu, dương vật, v.v.)

Đa số các trường hợp nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục hoàn toàn không gây hại và tự biến mất song có một số tuýp có thể dẫn đến mụn cóc sinh dục, hoặc thậm chí ung thư.

HPV tuýp 6 và 11 gây ra hầu hết các trường hợp mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Đây là những loại mụn nhìn thấy được ở vùng sinh dục của cả đàn ông và phụ nữ. Loại mụn này không đe dọa đến tính mạng người nhiễm nhưng gây khó chịu và khó đối phó vì khả năng tái nhiễm cao sau điều trị.

Hơn 10 chủng virus HPV nguy hiểm có thể gây nên ung thư, trong đó có 2 tuýp đặc biệt là 16 và 18. Đây là 2 tuýp chính gây nên ung thư cổ tử cung và còn là tác nhân gây ra các loại ung thư khác như ung thư âm hộ (50%), ung thư âm đạo (65%), ung thư hầu họng (70%).

HPV lây nhiễm qua đường sinh dục là chủ yếu. Trên thực tế, hầu hết những người bị nhiễm virus không có triệu chứng và cảm thấy bình thường. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, có khoảng 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra.

tiem ngua ung thu co tu cung hpv

Đối tượng nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, nên đi tiêm càng sớm càng tốt, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Vắc xin có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.

Nhiễm HPV cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi, đường sinh dục (hậu môn, dương vật, v.v. ) ở nam giới.

Điều cần biết về vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV)

Vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung là một trong những vắc xin thường xuyên khan hiếm.

Hiện nay, ở Việt Nam đang lưu hành vắc xin Cervarix (Bỉ) và Gardasil (Mỹ). Trong đó, Cervarix chỉ phòng được 2 tuýp HPV 16 và 18 còn Gardasil có khả năng phòng ngừa 4 tuýp virus HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung (6, 11, 16, 18). Ngoài tác dụng phòng bệnh ung thư cổ tử cung, vắc xin Gardasil còn có thể phòng các bệnh sau:

Nhiễm và bị các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản gây ra bởi HPV tuýp 6, 11, 16 và 18.

  • Ung thư âm hộ, âm đạo gây ra bởi HPV tuýp 16 và 18
  • Mụn cóc sinh dục (Sùi mào gà) gây ra bởi HPV tuýp 6 và 11
  • Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (tình trạng tế bào bao phủ cổ tử cung phát triển bất thường) độ 2/3 và ung thư biểu mô tuyến tử cung tại chỗ
  • Tân sinh biểu mô cổ tử cung độ 1
  • Tân sinh trong biểu mô âm hộ độ 2 và 3
  • Tân sinh trong biểu mô âm đạo độ 2 và 3
  • Tân sinh trong biểu mô âm hộ và tân sinh trong biểu mô âm đạo độ 1

Lịch tiêm chủng:

  • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên
  • Mũi 2: 2 tháng sau Mũi 1.
  • Mũi 3: 6 tháng sau Mũi 1.

Nếu có điều chỉnh lịch tiêm thì mũi 2 phải cách mũi 1 tối thiểu là 1 tháng và mũi 3 phải cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng.

Vắc xin phòng HPV không chỉ định tiêm cho phụ nữ có thai. Vì thế, nếu chị em có dự định mang bầu sinh em bé, chỉ nên mang thai sau khi kết thúc mũi 3 ít nhất 1 tháng (tốt nhất là 3 tháng). Trong trường hợp đã tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 mũi thì phát hiện mang thai, nên hoãn tiêm mũi còn lại cho tới khi kết thúc thai kì.

Chống chỉ định:

  • Người mẫn cảm với các thành phần trong vắc xin.
  • Nếu có phản ứng quá mẫn với lần tiêm trước, không được tiếp tục dùng

Tác dụng phụ:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Sưng đau, bầm tím, ngứa hoặc có ban đỏ.
  • Hiếm gặp: Co thắt khí quản nghiêm trọng

Các địa điểm có thể tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung (HPV)

  • Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
  • Phòng tiêm chủng SAFPO
  • Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc xin có thể giúp chị em phòng ngừa được bệnh một cách hữu hiệu. Song, chị em phụ nữ vẫn nên thực hiện khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kì để nâng cao hiệu quả điều trị một cách tối đa, đặc biệt với những người chưa tiêm vắc xin. Đây là những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe sinh sản cũng như tính mạng của chính bạn và người thân.

IIMS Việt Nam hi vọng rằng với bài viết trên đây, bạn đọc có thêm thông tin về việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Nếu bạn có những biểu hiện triệu chứng liên quan đến cổ tử cung, hãy đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra cũng như thực hiện tầm soát ung thư để có phương án điều trị một cách tốt nhất ở giai đoạn sớm.

Sau khi thăm khám và vẫn cảm thấy hoang mang, bạn có thể liên hệ với IIMS Việt Nam để được tư vấn thêm về dịch vụ Ý kiến y tế thứ 2:

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

Zalo iims vietnam

(Tham khảo: VNVC)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *