Phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, hiệu quả cao – Xạ trị proton

Tin mới 25/05/2022 14:56:20. Views: 4,031.

Công nghệ xạ trị phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới sử dụng chùm tia X, tia gamma hoặc các loại hạt nhẹ như electron. Tuy nhiên, nhược điểm của kĩ thuật này là trường chiếu đến khối u sẽ bao gồm cả các khu vực khác của cơ thể, làm tăng liều bức xạ đối với bệnh nhân, gây tổn hại không cần thiết đối với một số mô lành. Một số quốc gia phát triển trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ xạ trị hiện đại sử dụng chùm proton hoặc ion nặng trong điều trị ung thư có thể khắc phục được những nhược điểm trên. Cùng IIMS-VNM tìm hiểu về phương pháp xạ trị proton với những ưu điểm vượt trội qua bài viết dưới đây.

1.   Xạ trị proton là gì?

Xạ trị proton hay còn gọi là liệu pháp proton trong xạ trị là công nghệ xạ trị sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao từ 160 tới 230 MeV, được gia tốc bằng khoảng 70 – 80% tốc độ ánh sáng để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Máy gia tốc phát ra chùm hạt proton có thể là cyclotron hoặc synchrotron.

Xạ trị Proton khác xạ trị thông thường như thế nào?

Tại Việt Nam, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị là những phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Nhiều thiết bị gia tốc xạ trị – xạ phẫu hiện đại, đa mức năng lượng đã được đầu tư ở các trung tâm điều trị ung thư, cho phép thực hiện nhiều kĩ thuật xạ trị hiện đại ngang tầm quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, các công nghệ xạ trị ở Việt Nam và phần lớn trên thế giới hiện nay vẫn chủ yếu là công nghệ sử dụng chùm photon (tia X, tia gamma) hoặc các loại hạt nhẹ như electron nên vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định.

Theo nguyên lý hiệu ứng đỉnh Bragg, chùm photon hoặc electron khi đi vào cơ thể sẽ đạt liều bức xạ tối đa ở vị trí nông (khoảng 10mm), sau đó giảm dần, do đó không hiệu quả đối với các loại u nằm sâu trong cơ thể. Trong trường hợp phải sử dụng liều bức xạ cao hơn để đạt được liều bức xạ mong muốn tại khu vực có khối u, phương pháp này có thể gây ra liều bức xạ không cần thiết đối với các khu vực lân cận khối u (theo hướng chiếu) gọi là liều thoát ra (exit dose).

Tóm lại, trong khi xạ trị tia X thông thường, bức xạ chủ yếu tập trung ở gần bề mặt cơ thể và giảm dần khi đi sâu vào trong cơ thể thì liệu pháp proton có lợi thế hơn trong việc tập trung liều bức xạ vào vị trí khối u, tránh ảnh hưởng đến những mô lành xung quanh.

xa tri proton tai nhat ban

So sánh phân bố liều giữa xạ trị tia X và liệu pháp Proton – Ảnh: Protominternational.com

Chẳng hạn, sử dụng liệu pháp proton trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ hạn chế được tới 60% liều chiếu lên các mô lành xung quanh so với xạ trị photon điều biến liều IMRT.

2.   Các kĩ thuật xạ trị proton

Liệu pháp proton hiện nay có 2 phương pháp chủ yếu đó là kĩ thuật chiếu xạ tán xạ đôi double-scattering irradiation và kĩ thuật quét chùm điểm spot scanning irradiation.

  • Kĩ thuật chiếu xạ bằng tán xạ đôi double scattering irradiation: Sử dụng 2 lá tán xạ để mở rộng chùm tia phát ra từ máy gia tốc. Sau đó, sử dụng các thiết bị tạo hình chùm tia theo chiều dọc và chiều sâu để đưa chùm proton bao trọn lên khối u, không chiếu ra các mô lành xung quanh. Kĩ thuật này được sử dụng chủ yếu cho các khối u lớn, nằm ở vị trí ít gần các cơ quan quan trọng như: u gan, phổi.
  • Kĩ thuật chiếu xạ bằng quét điểm spot scanning irradiation: Là phương pháp hiện đại hơn sử dụng trực tiếp chùm tia phát ra từ máy gia tốc chiếu lên từng điểm trên khối u. Quá trình chiếu xạ được liên kết trực tiếp với dữ liệu hình dạng khối u do đó có thể tăng liều cao khi chiếu vào giữa khối u và hạn chế tối đa việc chiếu vào mô lành xung quanh. Kĩ thuật này thường sử dụng điều trị bệnh nhân ung thư não, u đầu cổ, ung thư ở trẻ em.

Trung tâm xạ trị proton thường có các buồng điều trị gọi là các Gantry. Các Gantry động có thể giúp đầu xạ trị quay quanh bệnh nhân tới 360 độ. Do đó, có thể chỉ hướng bất kì tới vị trí khối u. Thường thì Gantry cố định sẽ có hướng chiếu nằm ngang, được sử dụng chủ yếu để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Với bệnh nhân bị ung thư ảnh hưởng tới toàn cơ thể như bệnh bạch cầu, bệnh lymphoma ác tính không thể sử dụng liệu pháp proton để điều trị.

3.   Ưu điểm của xạ trị proton

Chùm hạt proton khi đi vào cơ thể ban đầu chỉ gây ra liều bức xạ thấp và đạt đỉnh ở khoảng 150mm trong cơ thể, sau đó gần như giảm ngay về 0 nên việc sử dụng chùm tia proton trong điều trị ung thư đã khắc phục được các nhược điểm của xạ trị thông thường bằng dòng photon hoặc electron, mang lại nhiều ưu thế như:

  • Khả năng nhắm mục tiêu với độ chính xác cao, phù hợp với việc xạ trị các khối u nằm sâu, ở các vị trí trọng yếu trong cơ thể (là các loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam): Ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, v.v.
  • Hạn chế liều thoát ra (exit dose) nên bảo toàn được tối đa số lượng mô lành hoặc bảo vệ cơ quan quan trọng khác của cơ thể khỏi ảnh hưởng của bức xạ. Do đỉnh Bragg của chùm proton đơn năng rất mảnh khi so với kích thước của toàn bộ khối u, nên công nghệ xạ trị proton sử dụng việc kết hợp nhiều chùm tia proton với năng lượng khác nhau để tạo ra một vùng năng lượng trải rộng là đỉnh Bragg điều biến (Spread-out Bragg peak – SOBP) bao phủ toàn bộ khối u. Kĩ thuật này đặc biệt có giá trị trong điều trị ung thư ở các khu vực nhạy cảm như xạ trị u não, tủy xương, các cơ quan gần tim, v.v.
  • Công nghệ xạ trị proton có thể chỉ cần thực hiện 1 liệu trình mà không cần trải qua 4 – 5 lần chiếu như xạ trị bằng chùm photon hoặc electron;
  • Ít tác dụng phụ;
  • Giảm thiểu rủi ro những tác dụng phụ trong dài hạn, bao gồm cả sự phát triển của các khối u ác tính thứ cấp;
  • Thời gian hồi phục nhanh chóng.
  • Đối với các trường hợp ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm: Xạ trị bằng proton có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn, tương đương với phẫu thuật. Đặc biệt, xạ trị proton còn tỏ ra ưu việt hơn khi không gây tổn thương và rối loạn của cơ quan tổ chức xung quanh, ít gây đau đớn, thời gian bình phục nhanh.
  • Đối với những trường hợp ung thư ở vị trí khó tiến hành phẫu thuật, hoặc nếu tiến hành phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, khó hồi phục (ung thư vòm họng) thì xạ trị proton lại có thể can thiệp và chữa trị hiệu quả.
  • Chiếu xạ proton không gây nhiễm độc toàn thân như hóa trị, ít tác dụng phụ hơn, ít gây khó chịu cho bệnh nhân, không gây ra những biến chứng cấp tính, hoặc mãn tính ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
  • Ngoài ra, xạ trị còn được dùng trong một số trường hợp khác như: cầm máu, giảm chèn ép do khối u quá lớn, giảm đau (trong di căn cột sống, xương, v.v.)

xa tri proton o Nhat

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Liệu pháp Proton bên trái, IMRT bên phải) – Ảnh: UF Health

Với những ưu điểm trên, phương pháp được ưu tiên điều trị cho người cao tuổi vì ít gây tổn thương đến các tế bào xung quanh nên khả năng hồi phục sức khỏe tốt hơn. Trẻ em cũng có thể được điều trị bằng proton cho bệnh ung thư não và tủy sống.

Liệu pháp proton hay xạ trị proton cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư dưới đây:

  • Ung thư hệ thần kinh trung ương, bao gồm u bướu, chondrosarcoma và u màng não ác tính
  • Ung thư mắt, bao gồm u ác tính hoặc u hắc tố
  • Ung thư đầu và cổ, bao gồm ung thư khoang mũi và ung thư xoang cạnh mũi và một số bệnh ung thư vòm họng
  • Ung thư phổi
  • Ung thư gan
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Sarcomas cột sống và xương chậu
  • Khối u não (không ung thư)
  • Ung thư thực quản
  • Ung thư trực tràng và hậu môn

4.   Nhược điểm của xạ trị proton

Tuy có nhiều ưu điểm so với xạ trị thông thường bằng chùm photon hoặc electron song chi phí đầu tư, yêu cầu về trình độ khoa học, kĩ thuật và nhân lực chính là rào cản phát triển của công nghệ này.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ phổ biến của xạ trị proton như:

  • Mệt mỏi
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
  • Khó nuốt
  • Nôn và buồn nôn
  • Đau đầu
  • Rụng tóc, lông và làm đỏ da, đau nhức quanh bộ phận cơ thể bạn đang điều trị

5.   Điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị proton tại Nhật Bản

Tính đến tháng 7/2020, có 92 trung tâm xạ trị proton đang hoạt động và 41 trung tâm đang xây dựng trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp, v.v. Con số này cao hơn đáng kể so với số lượng 12 trung tâm xạ trị ion nặng trên toàn thế giới. (Công nghệ xạ trị ion nặng có cùng nguyên lý với xạ trị proton nhưng đòi hỏi mức đầu tư cao hơn từ 2- 3 lần).

xa tri proton tai nhat ban 1

Tại khu vực châu Á, Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi có bề dày kinh nghiệm với nhiều thành tựu trong lĩnh vực điều trị ung thư, chăm sóc sức khỏe, có áp dụng công nghệ xạ trị proton và xạ trị ion nặng. Không ít bệnh nhân quốc tế tìm đến Nhật Bản để được điều trị bằng phương pháp tiên tiến và ghi nhận được đánh giá tích cực bởi hiệu quả vượt mong đợi.

Nếu bạn có nhu cầu về điều trị bằng phương pháp này tại Nhật Bản, hãy liên hệ ngay với IIMS-VNM để được hỗ trợ tư vấn.

 

Xem thêm:

6.   Du lịch y tế tại Nhật Bản

IIMS-VNM – Thành viên Tập đoàn IMS Nhật Bản – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản với 134 bệnh viện, cơ sở y tế trên khắp cả nước.

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS-VNM để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

ZALO IIMS Vietnam

Tham khảo:

Bệnh viện K

VJSonline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ