Vi khuẩn H.P – Nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày

Tin mới 28/06/2021 16:35:16. Views: 3,757.

Theo số liệu ghi nhận được, có hơn 90% người mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn H.P. Vậy vi khuẩn H.P là gì? Khả năng lây nhiễm của chúng ra sao? Phải làm thế nào khi phát hiện mình bị nhiễm vi khuẩn H.P? Cùng IIMS Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vi khuẩn H.P là gì?

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hay còn được viết tắt là H.P hay H. Pylori) là một loại vi khuẩn gram (-), có hình xoắn, phát triển trong lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và có khuynh hướng tấn công lớp lót này gây nên các bệnh lý về dạ dày. Vi khuẩn H.P lần đầu được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. Người ta cho rằng vi khuẩn này sinh sống trong dạ dày người từ cổ xưa, vì đã được tìm thấy dạ dày người từ 60.000 năm trước. Chúng có dạng chữ S, hình cung dài hoặc hình dấu phẩy, một đầu có túm roi, nhờ đó mà có thể di chuyển trong môi trường nhớt. Sở dĩ, vi khuẩn H.P có thể sống được trong môi trường khắc nghiệt như dạ dày vì chúng không cần nhiều oxy cũng như có khả năng sản xuất Urease. Các Urease này sẽ chuyển Ure thành Amoniac, kiềm hóa môi trường sống, giúp H.P không bị tác động bởi axit trong dạ dày.

Theo thống kê, 90% người mắc các bệnh dạ dày là do loại vi khuẩn này gây ra. Và trên thực tế, có trên 50% dân số trên thế giới có nhiễm vi khuẩn H.P. Song ở các nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, tỉ lệ chỉ chiếm khoảng 20 – 40%, trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số đó lớn hơn rất nhiều.

 

Xem thêm:

Vi khuẩn H.P gây bệnh gì?

Có tới trên 80% người có nhiễm vi khuẩn H.P không có triệu chứng cũng như không có biến chứng. Tuy nhiên, H.P vẫn có thể gây nên những bệnh sau:

  • Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày
  • Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày
  • Loét dạ dày tá tràng
  • Ung thư dạ dày
  • U lympho B lớp niêm mạc dạ dày
  • Chứng khó tiêu chức năng
  • Một số bệnh ngoài đường tiêu hóa: nhiễm vi khuẩn H.P cũng làm tăng xuất hiện một số bệnh như Giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, bệnh lý mạch vành, đau nửa đầu, v.v.

Vi khuẩn H.P có lây nhiễm không?

Vi khuẩn H.P là loại vi khuẩn có khả năng lây nhiễm rất cao từ người này sang người khác. Theo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về vi khuẩn H.P cho biết vi khuẩn H.P không chỉ có trong dạ dày mà còn thấy ở khoang miệng, tuyến nước bọt, trong kẽ răng, mảng bám răng, phân, v.v. Chính vì vậy, loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp như dùng chung bàn chải, chén bát, cốc uống nước, nhai mớm thức ăn, dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn không che đậy cẩn thận (ruồi, muỗi, gián, chuột làm vật trung gian sau khi tiếp xúc với môi trường bẩn), v.v. Tỉ lệ nhiễm H.P của nước ta chiếm trên 70% dân số. Theo nghiên cứu từ năm 2015, tỉ lệ tái xuất hiện của virus H.P là rất cao. Trung bình 11 tháng sau diệt H.P tái xuất hiện trong dạ dày là 23.5%, trong đó tái nhiễm là 9.7% (tái nhiễm là tình trạng đã điều trị diệt khỏi hoàn toàn sau đó lại nhiễm mới) và tái phát là 13.8% (tái phát là tình trạng khi dùng thuốc diệt HP vi khuẩn giảm về mặt số lượng nhưng sau đó các vi khuẩn lại nhân lên và có thể tìm thấy).

ung-thu-da-day-vi-khuan-hp

Biện pháp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.P lây lan:

  • Vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là trước khi cầm nắm thức ăn
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, bát, đũa, cốc
  • Không nên gắp thức ăn cho người khác và tránh sử dụng đũa để chọc ngoáy đĩa thức ăn
  • Hạn chế ăn thức ăn ngoài vỉa hè và không đảm bảo vệ sinh
  • Nên ăn chín, uống sôi vì cần phải dùng nhiệt độ 100 độ C và ngâm vật dụng trong 5 phút thì mới tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn
  • Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn H.P, tuyệt đối không hôn, nhai mớm thức ăn cho trẻ
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệu trừ ruồi, muỗi, côn trùng,v.v.

Làm thế nào để phát hiện có nhiễm vi khuẩn H.P trong dạ dày?

  1. Phương pháp nội soi dạ dày: Sinh thiết cấy tìm vi khuẩn H.P, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm vi khuẩn H.P, làm test nhanh Urease
  2. Phương pháp không cần nội soi dạ dày: Test thở C13, C14, xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh, xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn H.P trong phân

Tổ chức Tiêu hóa thế giới khuyến cáo trong thực tiễn khám và điều trị H.P thì hai phương pháp phổ biến là: Test thở C13, C14 và test nhanh Urease.

Trong trường hợp nào cần điều trị diệt vi khuẩn H.P?

Trước đây, vào những năm 1990 đến năm 2000, vi khuẩn H.P rất nhạy cảm với kháng sinh nên dễ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam rất cao. Việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong các bệnh lý khác nhau hoặc sử dụng không theo đúng chỉ định, phác đồ điều trị đã dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh. Theo thống kê, tỉ lệ kháng kháng sinh clarithromycin tại Việt Nam là từ 21.4 – 50.9% (con số khá cao). Điều đó đồng nghĩa với việc điều trị diệt H.P trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Thêm nữa, không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn H.P đều bị bệnh, vì thế cần điều trị diệt H.P theo đúng chỉ định để tránh không gây lãng phí cũng như hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh chéo từ người này sang người khác dẫn tới tình trạng khi cần điều trị diệt vi khuẩn H.P thì kháng sinh không còn hiệu quả.

Những trường hợp dưới đây được khuyến cáo nếu nhiễm vi khuẩn H.P thì cần điều trị diệt khuẩn:

  • Loét dạ dày
  • Viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày
  • Loét hành tá tràng
  • Chứng khó tiêu: Đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị
  • Thiếu máu, thiếu sắt
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ căn nguyên
  • Những người có nguy cơ ung thư dạ dày cao (bố mẹ, anh chị em ruột ung thư dạ dày, làm việc trong môi trường có nguy cơ cơ cao như khai thác than, quặng, v.v.)
  • Ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật
  • Ung thư dạ dày sớm được cắt hớt (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi (Endoscopic Sumucosal Dissection- ESD)
  • Khối u dạ dày: adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc

IIMS Việt Nam hi vọng rằng với bài viết trên đây, bạn đọc có thêm thông tin về vi khuẩn H.P. Nếu bạn có những biểu hiện triệu chứng liên quan đến dạ dày, hãy đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra cũng như thực hiện tầm soát ung thư dạ dày để có phương án điều trị một cách tốt nhất ở giai đoạn sớm.

Sau khi thăm khám và vẫn cảm thấy hoang mang, bạn có thể liên hệ với IIMS Việt Nam để được tư vấn thêm về dịch vụ Ý kiến y tế thứ 2:

  • Địa chỉ: 11-01, tầng 11, tòa nhà Prime Centre, số 53 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
  • Hotline: 024 3944 0914
  • Email: info@iims-vnm.com
  • Trang web chính thức: https://iims-vnm.com/
  • Fanpage: https://www.facebook.com/iimsvietnam.official

    Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

    Zalo iims vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *