Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Tin mới 24/03/2020 15:42:58. Views: 6,099.

Ung thư tiền liệt tuyến là một căn bệnh phổ biến ở nam giới, đặc biệt là ở những người trung niên và cao tuổi. Bệnh nhân cần tầm soát ung thư tiền liệt tuyến càng sớm càng tốt để kịp thời có phương án điều trị phù hợp.

Tầm soát ung thư cho nam

1. Lý do nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, Việt Nam ghi nhận khoảng gần 4000 ca mắc mới và gần 2000 ca tử vong vì ung thư tiền liệt tuyến. Những con số này thậm chí đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Vì vậy, ung thư tiền liệt tuyến là một trong những căn bệnh phổ biến và hoàn toàn không thể xem nhẹ.

Các biểu hiện ban đầu của ung thư tiền liệt tuyến thường không rõ ràng và dễ dàng bị bỏ qua. Người bệnh chủ yếu phát hiện ra khi các triệu chứng trở nên cấp tính và dồn dập, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Theo một nghiên cứu về ung thư tiền liệt tuyến tại Mỹ, tỉ lệ sống trên 5 năm ở bệnh nhân phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm là gần 100%, trong khi tỉ lệ này chỉ đạt 34% khi ung thư đã di căn sang tổ chức khác.

Do đó, xét nghiệm tầm soát ung thư đóng vai trò hết sức quan trọng để nhằm phát hiện và điều trị ung thư tiền liệt tuyến từ sớm. Quá trình điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu luôn có hiệu quả cao hơn và tiết kiệm được nhiều chi phí so với khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Từng giai đoạn của ung thư tiền liệt tuyến

Các giai đoạn của ung thư tiền liệt tuyến

2. 6 Dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt

Những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh có thể chỉ xuất hiện thoáng qua trong từng thời điểm và rất khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, bạn nên lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn để nhận ra các dấu hiệu bất thường và đặc biệt lưu ý các triệu chứng sau:

  • Nước tiểu chảy yếu hoặc bị gián đoạn
  • Đi tiểu thường xuyên (đặc biệt là vào ban đêm), tiểu khó.
  • Đau vùng thắt lưng.
  • Đau khi xuất tinh.
  • Thấy có máu trong nước tiểu hay tinh dịch
  • Đau ngang thắt lưng, bắp vế hay hai bên hông.
Đau vùng thắt lưng là dấu hiệu nên đi tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Đau vùng thắt lưng là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư tiền liệt tuyến

3. Đối tượng nên đi khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Những nhóm đối tượng sau đây có tỉ lệ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn người bình thường:

  • Nam giới từ 50 tuổi trở lên: nhóm tuổi có tỉ lệ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao nhất là từ 55 – 74 tuổi, chiếm khoảng 64% tổng số ca được ghi nhận.
  • Người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thừa hưởng gen đột biến BRCA I & II: gen BRCA I & II là những gen có vai trò ức chế sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào trong cơ thể, từ đó ngăn cản quá trình hình thành khối u. Vì vậy, nam giới mang gen BRCA I & II dạng đột biến có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn. Bạn có thể phát hiện kiểu gen BRCA I & II dạng đột biến bằng cách thực hiện những xét nghiệm gen tại bệnh viện.

4. 7 Phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt

4.1. Xét nghiệm PSA

PSA do tế bào khối u tiết ra (có thể lành tính hoặc ác tính) và được tìm thấy chủ yếu trong tinh dịch, một lượng nhỏ có thể giải phóng vào máu. Các tế bào ung thư tạo ra nhiều PSA hơn tế bào lành và làm tăng nồng độ PSA trong máu bệnh nhân. Vì vậy, xét nghiệm PSA có thể phản ánh sự tồn tại và phát triển của khối u trong tuyến tiền liệt.

Ưu điểm của phương pháp PSA là khả năng phát hiện ung thư tiền liệt tuyến từ sớm. Bên cạnh đó, xét nghiệm PSA được tiến hành đơn giản như các xét nghiệm máu thông thường khác, không đòi hỏi kĩ thuật hay máy móc công nghệ cao.

Tuy nhiên, tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng phương pháp PSA cũng có những hạn chế. Trong một vài trường hợp, xét nghiệm PSA có thể cho kết quả “âm tính giả” (có khối u nhưng không phát hiện thấy) hoặc “dương tính giả” (nhầm tưởng là đang có khối u).

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng xét nghiệm PSA

Phương pháp PSA tiến hành đơn giản như các xét nghiệm máu thông thường

4.2. Siêu âm nội trực tràng

Để thực hiện xét nghiệm tiền liệt tuyến bằng siêu âm, bác sĩ phải đưa một đầu dò có chức năng phát sóng siêu âm vào bên trong trực tràng. Tín hiệu đầu ra được chuyển thành dạng hình ảnh đen trắng để quan sát cấu trúc bất thường của tuyến tiền liệt.

Siêu âm nội trực tràng thường được dùng để đo kích thước và kiểm tra tuyến tiền liệt ở nam giới, đặc biệt khi nồng độ PSA trong máu cao bất thường.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng phương pháp siêu âm

Hình ảnh kết quả siêu âm tiền liệt tuyến

4.3. Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)

Chụp CT cũng là một phương pháp hữu hiệu để tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Chụp CT vùng tiểu khung có thể xác định các hạch di căn vùng chậu và mức độ xâm lấn sang tổ chức xung quanh của khối u.

4.4. Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)

Chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chụp hình bằng sử dụng sóng điện từ và sóng radio, không sử dụng tia xạ nên rất an toàn với bệnh nhân.

Hình ảnh MRI rất sắc nét và có độ tương phản tốt. Vì vậy, xét nghiệm chụp MRI có tính chính xác cao trong việc đánh giá mức độ xâm lấn của tế bào ung thư sang các mô và tổ chức xung quanh tuyến tiền liệt.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng phương pháp chụp MRI

Hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy khối u tiền liệt tuyến xâm lấn các sang tổ chức xung quanh

4.5. Chụp PET

Để thực hiện chụp PET, một loại đường phóng xạ (FDG) sẽ được đưa vào cơ thể người bệnh. Do tế bào ung thư hấp thu rất nhiều đường phóng xạ, các phân tử FDG sẽ tích tụ tại những vị trí có khối u trong cơ thể. Vì vậy, bác sĩ có thể xác định vị trí tế bào ung thư di căn dựa vào quan sát sự phân bố đường phóng xạ trên hình ảnh chụp chiếu.

Ưu điểm của tầm soát ung thư tiền liệ tuyến bằng phương pháp chụp PET là khả năng phát hiện tế bào ung thư di căn từ sớm, từ đó người bệnh có biện pháp điều trị kịp thời.

4.6. Sinh thiết tế bào tuyến tiền liệt

Trước khi tiến hành sinh thiết, bạn sẽ được tiêm thuốc gây tê cục bộ vùng tuyến tiền liệt. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng đầu kim luồn vào trong mà lấy ra một vài mảnh mô nhỏ từ những vị trí khác nhau trong tuyến. Các mảnh mô sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán xác định ung thư.

Sinh thiết tế bào là biện pháp duy nhất có thể xác định chính xác bạn có đang mắc ung thư tiền liệt tuyến hay không. Phương pháp này thường được thực hiện cuối cùng, sau khi kết quả xét nghiệm trước đó cho thấy bạn có nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng phương pháp sinh thiết

Hình ảnh mô phỏng thao tác sinh thiết tuyến tiền liệt

4.7. Xạ hình xương

Phương pháp xạ hình xương được sử dụng khi cần đánh giá mức độ di căn tế bào ung thư tuyến tiền liệt vào trong xương.

Mặc dù có độ chính xác cao hơn các phương pháp xét nghiệm tuyến tiền liệt khác, kết quả xạ hình xương vẫn có thể nhầm lẫn với một vài bệnh xương khớp khác như: nhiễm trùng xương, viêm khớp. Vì vậy, bác sĩ cần kết hợp xạ hình xương với các phương pháp khác để cho kết quả chẩn đoán tầm soát khối u chính xác nhất.

5. Lưu ý để tầm soát ung thư tiền liệt tuyến hiệu quả

Một vài yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của các xét nghiệm tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Trong đó, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).

  • Bệnh nhân không mặc quần áo có mảnh kim loại, đồng thời phải tháo bỏ trang sức để tránh gây nhiễu kết quả trong suốt quá trình chụp.
  • Với những trường hợp dự kiến cần tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tiêm tối thiểu 4 tiếng. Đồng thời, người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ nếu từng gặp các bệnh lí sau: chức năng thận suy giảm, bệnh cường giáp, đã từng dị ứng với thuốc, đặc biệt là thuốc cản quang
  • Bên cạnh đó, các phương pháp xét nghiệm không phải tuyệt đối chính xác mà vẫn có thể sai sót, dẫn đến “dương tính giả” hoặc “âm tính giả”.
    • Dương tính giả: bệnh nhân thực tế không mắc bệnh, nhưng xét nghiệm cho kết luận đang có khối u trong tuyến tiền liệt. Kết quả “dương tính giả” khiến bệnh nhân lo lắng, mất thêm chi phí cho việc điều trị mà không mang lại lợi ích gì.
    • Âm tính giả (thực tế mắc ung thư nhưng xét nghiệm ra kết quả bình thường): bệnh nhân mất chi phí xét nghiệm và nguy hiểm nhất là không bắt đầu tiến hành điều trị kịp thời.

Vì vậy, khi có nghi ngờ mắc ung thư tiền liệt tuyến, bệnh nhân cần thực hiện nhiều xét nghiệm để có sự đối chứng kết quả lẫn nhau, nhằm đưa ra chẩn đoán cuối cùng về bệnh chính xác nhất.

6. Địa điểm khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

6.1. Khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại Việt Nam

6.1.1 Bệnh viện K (Bệnh viện Ung bướu Trung ương)

Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa ung thư hàng đầu cả nước với bề dày kinh nghiệm trong phòng chống và điều trị ung thư. Với đội ngũ bác sĩ trình độ cao cùng hệ thống thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện K luôn là địa chỉ đáng tin cậy cho nhu cầu khám chữa bệnh của đông đảo người dân.

Hiện nay, bệnh viện K đang triển khai 9 gói tầm soát ung thư cơ bản giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến, cũng như các ung thư thường gặp khác ở cả nam và nữ.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện K

Bệnh viện K đang triển khai gói tầm soát cơ bản giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến

6.1.2 Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở khám chữa bệnh uy tín hàng đầu tại miền Bắc. Bệnh viện hiện đang sở hữu 3 khoa chuyên tư vấn và tầm soát ung thư:

  • Phòng tư vấn và tái khám tại tầng 1 thuộc Trung tâm Y học Hạt nhân Và Ung bướu.
  • Phòng khám chuyên khoa Ung bướu tại các buồng số 1 và 2 tại phòng 311 của tầng 3, Khoa Khám bệnh.
  • Phòng khám Chuyên khoa Ung bướu: buồng 1, phòng 414, tầng 4 thuộc Khoa Khám bệnh.

Với đội ngũ bác sĩ và chuyên gia hàng đầu cũng phương pháp điều trị tân tiến, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện Bạch Mai.

6.1.3 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Bệnh viện sở hữu đội ngũ bác sĩ của bộ môn Ung thư có kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn bài bản tại trường Đại học Y Hà Nội và các quốc gia có nền y học phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật Bản…

Bệnh viện thực hiện tầm soát ung thư tuyết tiền liệt cũng như các gói tầm soát khác như: ung thư vú, gan, phổi… Bệnh nhân sẽ được bác sĩ, y tá hướng dẫn chi tiết về quy trình xét nghiệm và sẽ nhận được kết quả chính xác trong thời gian nhất.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện đại học Y Hà Nội

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là cơ sở đáng tin cậy để tầm soát ung thư

6.1.4 Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối hàng đầu cả nước. Bệnh viện luôn không ngừng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ bác sĩ, đồng thời liên tục trang bị hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, tân tiến nhất.

Vì vậy, bệnh viện Chợ Rẫy là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, đặc biệt trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư: ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, ung thư gan…

6.1.5 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở khám chữa bệnh ung thư hàng đầu hiện nay. Bệnh viện bao gồm nhiều chuyên khoa ung thư, cung cấp cho người bệnh những phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh ung thư đa dạng và hiệu quả cao.

Do đó, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn tầm soát và điều trị ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện TP.Hồ Chí Minh

Bệnh viện Ung bướu TPHCM là cơ sở khám chữa bệnh ung thư hàng đầu hiện nay

6.2. Khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại Nhật Bản

Hiện nay, khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại các quốc gia có nền y học phát triển đang là xu hướng ngày càng phổ biến. Trong đó, Nhật Bản với dịch vụ chăm sóc sức khỏe số 1 thế giới đang là lựa chọn hàng của rất nhiều bệnh nhân tại Việt Nam.

Nhật Bản luôn chú trọng đào tạo nâng cao kĩ năng chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, đồng thời sở hữu rất nhiều thiết bị máy móc công nghệ cao và quy trình khám chữa bệnh bài bản. Nhờ đó, nền y tế Nhật Bản thực hiện tầm soát ung thư đạt độ chính xác rất cao và có tỉ lệ điều trị thành công ung thư cao nhất thế giới.

IMS Việt Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế Nhật Bản và sở hữu 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Khi bạn có nhu cầu được khám và điều trị ung thư tại Nhật Bản, IMS Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa với rất nhiều dịch vụ như: tư vấn chọn bệnh viện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, hỗ trợ làm visa y tế, hỗ trợ phiên dịch trong suốt quá trình thăm khám, bảo mật thông tin tuyệt đối…

7. Chi phí tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Chi phí tầm soát ung thư tiền liệt tuyến phụ thuộc vào từng gói lựa chọn cũng như bảng giá dịch vụ của các cơ sở y tế tại Việt Nam. Nhìn chung, chi phí gói tầm soát ung thư tiền liệt tuyến cơ bản dao động từ 1.600.000 đồng đến 1.900.000 đồng

Đối với chi phí tầm soát ung thư tiền liệt tuyến tại Nhật Bản, để được biết thêm chi tiết về các gói khám bệnh, bạn có thể liên hệ với IMS Việt Nam qua:

  • Địa chỉ: 11-01, tầng 11, tòa nhà Prime Centre, số 53 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
  • Hotline: 024 3944 0914
  • Email: info@iims-vnm.com
  • Trang web chính thức: https://iims-vnm.com/

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích để thực hiện tầm soát ung thư tiền liệt tuyến kịp thời và chính xác nhất. Chúc các bạn luôn khoẻ!

Bình luận đã bị đóng.

Liên hệ