Khám ung thư vòm họng như thế nào HIỆU QUẢ?

Tin mới 25/08/2020 11:06:17. Views: 5,635.

Ở Việt Nam, ung thư vòm họng nằm trong top đầu những bệnh ung thư vùng đầu cổ và xếp thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Tuy nhiên, nếu khám ung thư vòm họng sớm và phát hiện kịp thời ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về việc đi khám ung thư vòm họng như thế nào hiệu quả.

9 điều bạn nên biết về tầm soát ung thư vòm họng

1. Đối tượng nên khám ung thư vòm họng

Ai cũng nên khám ung thư vòm họng để biết được sức khỏe vòm họng của mình. Trong đó, những đối tượng sau nên khám ung thư vòm họng để kiểm tra, phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vòm họng: Bố/mẹ mắc bệnh ung thư vòm họng thì con cũng có nguy cơ mắc
  • Xuất hiện các dấu hiệu bất thường: Nhức đầu âm ỉ hoặc thành cơn; ngạt mũi một bên và có thể là cả hai, đôi khi còn chảy máu cam, xì mũi ra máu; tai ù, đau, nghe kém, như tiếng ve kêu hoặc xay thóc trong tai; xuất hiện hạch cổ; hạch cổ cao; liệt mặt; giảm thị lực, sụp mí, nhìn đôi; đau rát cổ họng, khó nuốt, ăn không cảm thấy ngon miệng, suy nhược cơ thể, sút cân; ho kéo dài, giọng nói thay đổi…
  • Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng: Người từng nhiễm virus HPV, virus Epstein-Barr (EBV); người hút thuốc, uống rượu bia lâu năm; người hay ăn đồ muối và đồ lên men (thịt muối, cá muối, dưa muối), ít ăn rau quả tươi, ăn trầu, sử dụng cần sa; người tiếp xúc nhiều với khói bụi ô nhiễm, hóa chất (sulfur dioxide, sợi amiang)…
Đối tượng nên khám ung thư vòm họng

Đau rát cổ, cảm thấy khó nuốt, ăn không ngon miệng là một trong những dấu hiệu báo cần phải đi khám ung thư vòm họng

2. Quy trình và phương pháp khám ung thư vòm họng

Khám ung thư vòm họng là thủ thuật sàng lọc để tìm kiếm tế bào đột biến ở người bệnh khi người đó có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng. Việc này phải tuân theo một quy trình nhất định và áp dụng một loạt các phương pháp y khoa.

2.1. Quy trình khám ung thư vòm họng

Quy trình khám ung thư vòm họng thường gồm 3 bước sau:

  • Bước 1: Khám lâm sàng
    • Khám nội tổng quát và khám cổ: Đo chiều cao, cân nặng, mạch, khám hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… Sau đó, đo huyết áp để phòng ngừa các biến chứng sau này cho người bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Và khám cổ để xem có hạch cổ, u tuyến giáp không
    • Thăm hỏi: Về lịch sử mắc bệnh, phẫu thuật, tiền sử gia đình, công việc, lối sống, thói quen ăn uống, các loại thuốc đang và đã sử dụng… Nhìn chung, bác sĩ sẽ hỏi sâu vào các yếu tố có thể gây ra bệnh ung thư vòm họng và tư vấn cho người bệnh.
    • Tư vấn, chẩn đoán tình trạng sức khỏe
  • Bước 2: Sàng lọc bằng phương pháp nội soi mũi họng, xét nghiệm máu, sinh thiết vòm họng, chọc hút hạch làm FNA, chụp MRI, chụp CT Scanner, siêu âm
  • Bước 3: Nhận kết quả và phương pháp điều trị (nếu có). Bác sĩ sẽ căn cứ vào thông tin khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm để đưa ra kết quả chẩn đoán. Sau đó, bác sĩ tư vấn cách theo dõi hoặc điều trị phù hợp. Trường hợp cần làm các xét nghiệm sâu hơn, bác sĩ có thể giới thiệu địa chỉ xét nghiệm
Quy trình khám ung thư vòm họng

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp xét nghiệm để sàng lọc rồi kết luận là người bệnh có bị ung thư vòm họng hay không

2.2. Phương pháp xét nghiệm khám ung thư vòm họng

Trong khi khám ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ sử dụng đến các phương pháp xét nghiệm sau:

  • Nội soi mũi họng: Các ống soi mềm sẽ được đi qua mũi, cổ họng giúp bác sĩ nhìn thấy được những tổn thương ẩn trong mũi, cổ họng. Sử dụng phương pháp này có thể giúp chẩn đoán ung thư vòm họng sớm, ngay từ khi khối u chưa xuất hiện hạch di căn. Nhờ đó, có thể điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ khỏi bệnh
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên của virus EBV trong huyết tương. Đồng thời, thử các phản ứng huyết thanh IgA/EA, IgA/EBNA, IgA/VCA để đánh giá tình trạng bệnh. Việc xét nghiệm máu cần được kết hợp với các chẩn đoán hình ảnh mới có thể xác định được vị trí của khối u.
  • Sinh thiết vòm họng: Nếu khi khám và nội soi họng phát hiện ra các hình ảnh biến đổi bất thường, có thể là do bệnh lý ác tính, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp sinh thiết. Khi sử dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô bất thường (mô bệnh) ở vòm họng dưới sự hỗ trợ của thiết bị nội soi và đem đi quan sát dưới kính hiển vi hoặc phân tích hóa học xem đó là tế bào ác tính hay lành tính
  • Chọc hút hạch làm FNA: Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ chọc hút hạch ở cổ người bệnh rồi đem đi sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học và đánh giá được mức độ phát triển của tế bào ung thư.
  • Chụp MRI/ chụp CT Scanner: Sử dụng máy chụp cắt lớp hoặc máy chụp cộng hưởng từ để tái hiện hình ảnh vòm họng. Thông qua đó, có thể thấy được kích thước, sự phát triển, mức độ xâm lấn của khối u.
Phương pháp xét nghiệm ung thư vòm họng

Hình ảnh chụp MRI/ chụp CT Scanner sẽ cho thấy kích thước của khối u ung thư vòm họng

3. Những lưu ý khi khám ung thư vòm họng

Dưới đây là một số điều cơ bản người bệnh cần lưu ý khi khám ung thư vòm họng:

  • Trả lời trung thực những câu hỏi của bác sĩ khi khám lâm sàng: Bởi vì bệnh ung thư vòm họng có nhiều điểm giống với viêm tai giữa, viêm họng… Trả lời chính xác sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh đúng hơn
  • Một số xét nghiệm ung thư vòm họng có thể chứa những rủi ro: Vì thế, trước khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ nói trước cho bệnh nhân biết những rủi ro của xét nghiệm và cân nhắc kĩ xem có nên sử dụng phương pháp đó không.
  • Nếu kết quả âm tính thì người bệnh vẫn nên chú ý đến việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và đi khám ung thư vòm họng định kỳ
  • Có thể xảy ra kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả: Âm tính giả là bệnh nhân mắc bệnh ung thư vòm họng nhưng kết quả lại cho thấy không phải. Ngược lại, dương tính giả là người bệnh không mắc bệnh ung thư vòm họng nhưng kết quả lại cho thấy là đang mắc bệnh. Những trường hợp này thường ít xảy ra
  • Có thể bị chuẩn đoán sai: Do bác sĩ thiếu kinh nghiệm, khi tiến hành phương pháp sinh thiết chẩn đoán sai tế bào có nguy cơ đột biến gây ung thư vòm họng thành tế bào bình thường hoặc ngược lại. Vì thế, người bệnh nên khám ở bệnh viện uy tín, bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm
Lưu ý khi khám ung thư vòm họng

Khi khám ung thư vòm họng bác sĩ sẽ thông báo trước cho bệnh nhân biết những rủi ro có thể có của một vài xét nghiệm và đưa ra phương pháp phù hợp với thể trạng của bệnh nhân

4. Chi phí khám ung thư vòm họng

Chi phí khám ung thư vòm họng ở các bệnh viện thường khác nhau. Mức chi phí trung bình là 1 – 3 triệu/gói. Mức chi phí cụ thể cho từng loại thăm khám, xét nghiệm riêng rẽ như sau:

  • Chi phí thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa: 100.000đ – 300.000đ
  • Nội soi tai mũi họng: 250.000đ
  • Tiền sinh thiết ung thư vòm họng: 2 – 3 triệu/lần
  • Siêu âm màu vùng hạch cổ: 220.000đ
  • Chụp X-quang: 100.000đ
  • Chụp CT: 600.000đ – 3.000.000đ
  • Chụp MRI: 1.800.000đ – 2.500.000đ

[Khám ung thư vòm họng ở đâu?] TOP 9+ địa điểm khám TỐT nhất

Trên đây là thông tin về các đối tượng cần đi khám ung thư vòm họng, quy trình, phương pháp, lưu ý và chi phí khám. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu hơn về việc thăm khám ung thư vòm họng và có thể đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị kịp thời, thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ