6 phương pháp xét nghiệm ung thư lưỡi kết quả Chính Xác cao

Tin mới 11/08/2020 10:09:55. Views: 5,379.

Thống kê cho thấy người bị ung thư lưỡi có 78% cơ hội sống ở trong giai đoạn đầu, 63% ở giai đoạn tiến triển và 36% ở giai đoạn cuối. Vì thế, xét nghiệm ung thư lưỡi nhằm phát hiện bệnh từ sớm là phương pháp hiệu quả nhất để nâng cao cơ hội sống. Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về các xét nghiệm ung thư lưỡi cho kết quả chính xác cao mà bạn nên sử dụng.

Tầm soát ung thư lưỡi – 6 điều bất cứ ai cũng PHẢI biết

1. Xét nghiệm ung thư lưỡi được thực hiện như thế nào?

Quy trình thực hiện xét nghiệm ung thư lưỡi thường gồm 3 bước sau:

  • Bước 1: Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thăm khám các dấu hiệu bất thường ở khoang miệng, lưỡi, hạch vùng cổ… của người bệnh. Đồng thời thu thập các thông tin về tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình để có đánh giá sơ bộ ban đầu.

  • Bước 2: Thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu

Xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán xác định nếu bác sĩ nghi ngờ nếu người bệnh bị ung thư lưỡi. Đồng thời, có thể xét nghiệm PCR để tìm virus HPV.

Chụp CT, chụp MRI vùng cổ – họng hoặc chụp X-quang hàm dưới hoặc siêu âm vùng cổ để xác định vị trí tổn thương và mức độ xâm lấn của tế bào ung thư (nếu có).

Sinh thiết để khẳng định chắc chắn xem tế bào ung thư đó có phải là u ác tính hay không.

  • Bước 3: Nhận kết quả và phương án điều trị (nếu có)

Sau khi thực hiện những xét nghiệm trên thì nhóm đối tượng bình thường nên làm lại 1 – 2 năm/lần. Còn nhóm đối tượng nguy cơ cao (người có tiền sử gia đình mắc ung thư lưỡi, người nhiễm virus HPV tuýp 16 và tuýp 18, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia…) nên làm lại 1 năm/lần hoặc sớm hơn.

Xét nghiệm ung thư lưỡi được thực hiện thế nào

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng vùng lưỡi trước khi tiến hành các phương pháp xét nghiệm chuyên sâu

2. Các phương pháp xét nghiệm ung thư lưỡi chính xác

Trong quá trình xét nghiệm ung thư lưỡi, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như: Chụp CT, chụp MRI, chụp X-quang, siêu âm, sinh thiết, xạ hình toàn thân. Mỗi phương pháp này đều có ưu, nhược điểm riêng như sau:

2.1. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có tác dụng cho thấy vị trí bị tổn thương, hình thái và mức độ di căn của các tế bào bất thường.

2.1.1. Siêu âm

Siêu âm cổ là phương pháp xét nghiệm sử dụng sóng siêu âm (sóng âm tần số cao) để mô phỏng lại cấu trúc bên trong của khu vực cổ, từ đó giúp bác sĩ xác định được tế bào bất thường.

Ưu điểm:

  • Thấy được rõ hình ảnh các mô mềm vốn không được thể hiện rõ khi chụp X-quang
  • Giúp phát hiện di căn xa ở vùng cổ của tế bào ung thư
  • An toàn, không độc hại, không đau và không xâm lấn
  • Giá thành vừa phải, có kết quả nhanh nên thường được sử dụng.

Nhược điểm:

  • Kết quả đọc xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa
  • Chỉ nhìn thấy mặt ngoài cấu trúc xương nên khó thấy rõ được sự xâm lấn xương của tế bào ung thư.
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp siêu âm

Ưu điểm nổi bật của phương pháp siêu âm xét nghiệm ung thư lưỡi là có độ an toàn cao, không gây độc hại

2.1.2. Chụp X-quang

Chụp X-quang hàm dưới là phương pháp xét nghiệm dùng các chùm tia X có bức xạ cao đi qua mô mềm và dịch ở cổ để hiển thị hình ảnh vùng hàm dưới giúp chẩn đoán bệnh ung thư lưỡi

Ưu điểm:

  • Giúp đánh giá mức độ làm tổn thương, phá hủy xương của tế bào ung thư
  • Chi phí rẻ

Nhược điểm:

  • Ít phát hiện được các khối u có đường kính dưới 2cm
  • Hình ảnh có độ phân giải thấp hơn các phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác
  • Tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả cao: Lên đến 20 – 30% do nhầm u với các tổn thương viêm, các nang.
  • Tia X có khả năng gây ion hóa hoặc phản ứng không tốt cho sức khỏe người bệnh, làm tổn thương tế bào.
  • Phụ nữ có thai không nên chụp X-quang
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp chụp X-quang

Chụp X-quang hàm dưới giúp xác định mức độ xâm lấn của tế bào ung thư ở xương

2.1.3. Chụp CT

Chụp CT cổ – họng là phương pháp xét nghiệm sử dụng các tia X quét lên vùng cổ – họng theo lát cắt ngang và đo độ hấp thụ năng lượng tia X. Sau đó hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều của vùng cổ – họng sẽ hiển thị lên màn hình máy tính và bác sĩ có thể dựa vào đó để đưa ra các kết luận.

Ưu điểm:

  • Hình ảnh mô mềm rõ nét, có độ phân giải và độ chính xác cao hơn chụp X-quang
  • Giúp phát hiện khối u ở lưỡi và biết được tế bào ung thư đã di căn ra khu vực cổ, họng chưa.
  • Có thể phát hiện các khối u có đường kính xấp xỉ 1cm.

Nhược điểm:

  • Khả năng đâm xuyên của tia X không cao, ảnh chụp không có độ phân giải cao bằng chụp MRI gây ra hạn chế trong việc tìm ra những tổn thương nhỏ, đặc biệt ở phần mềm.
  • Có thể xảy ra việc nhiễm phóng xạ từ tia X nếu sử dụng nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp CT

Những bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp MRI thì chụp CT là phương pháp thay thế tối ưu

2.1.4. Chụp MRI

Chụp MRI cổ – họng là phương pháp xét nghiệm ung thư lưỡi dùng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh giải phẫu của vùng cổ – họng từ nhiều góc độ giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá mức độ bệnh.

Ưu điểm:

  • Giúp hiển thị hình ảnh 3 chiều về mức độ xâm lấn của tế bào ung thư sang mô mềm, xương ở khu vực cổ – họng
  • Có thể chẩn đoán được những điểm bất thường trong xương, mạch máu mà nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không làm được
  • Ảnh chụp có độ phân giải cao hơn chụp CT, chụp X-quang
  • Người bệnh không bị ảnh hưởng bởi tia X như phương pháp chụp CT và chụp X-quang.

Nhược điểm:

  • Thời gian chờ kết quả lâu hơn
  • Chi phí cao hơn so với chụp CT và chụp X-quang nên chưa được ứng dụng nhiều.
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp chụp MRI

Chụp MRI cho hình ảnh hiện thị vùng xâm lấn của tế bào ung thư một cách sắc nét

2.2. Sinh thiết

Sinh thiết là phương pháp lấy mẫu tế bào tại vị trí tổn thương (hạch cổ, tế bào tổn thương ở lưỡi), sau đó quan sát dưới kính hiển vi xem hình thái, cấu trúc và kết luận đó có phải là tế bào u ác tính hay không. Sinh thiết được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư.

Ưu điểm:

  • Là phương pháp chẩn đoán quyết định và có giá trị nhất: Giúp nhận ra tế bào ác tính mà các phương pháp khác không làm được.
  • An toàn, ít gây khó chịu và tai biến cho người bệnh

Nhược điểm:

  • Độ chính xác có phụ thuộc vào kinh nghiệm lấy mẫu của bác sĩ xét nghiệm: Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm thường lấy đúng mẫu ở vị trí tổn thương nên kết quả sẽ chính xác hơn
  • Sinh thiết ở các thời điểm khác nhau cũng có thể cho kết quả khác nhau: Do bệnh có sự chuyển biến khác nhau ở từng thời điểm.
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp sinh thiết

Trong phương pháp sinh thiết, bác sĩ sẽ đem mô bệnh đi soi dưới kính hiển vi để xác định đó có phải tế bào ác tính không

2.3. Xạ hình toàn thân

Xạ hình toàn thân là phương pháp xét nghiệm ứng dụng y học hạt nhân, dùng máy xạ hình để tái hiện hình ảnh toàn thân giúp bác sĩ đánh giá được mức độ di căn của bệnh (nếu có).

Ưu điểm:

  • Giúp phát hiện di căn xa của tế bào ung thư và đưa ra được kế hoạch điều trị phù hợp
  • Giúp phát hiện sớm các tế bào ung thư di căn vào xương sớm hơn phương pháp chụp X-quang 3 – 6 tháng
  • Có thể phát hiện được những bất thường về chuyển hóa, tái hiện lại được hình ảnh tổn thương ở mức độ sinh hóa. Lúc này khối u còn nhỏ, có đường kính dưới 1cm, chưa có sự thay đổi cấu trúc

Nhược điểm:

  • Thường sử dụng khi tình trạng bệnh đã xấu nhằm mục đích đánh giá mức độ di căn xa của bệnh.
  • Ít được sử dụng trong tầm soát ung thư lưỡi.
Xét nghiệm ung thư lưỡi bằng phương pháp xạ hình toàn thân

Phương pháp xạ hình toàn thân giúp phát hiện những khối u nhỏ dưới 1cm

3. Lưu ý khi xét nghiệm ung thư lưỡi

Khi xét nghiệm ung thư lưỡi, bạn cần lưu ý:

  • Đối với phương pháp sinh thiết: Cần nói cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng và tình trạng dị ứng thuốc của bản thân để bác sĩ giúp chọn loại thuốc phù hợp trong quá trình làm thủ thuật.
  • Đối với chụp CT: Không mặc quần áo có chứa kim loại hoặc đeo trang sức khi chụp CT và có thể thay quần áo chuyên dụng (nếu cần). Nếu tiêm thuốc phản quang, trước khi chụp 4 – 6 tiếng nên nhịn ăn. Sau khi chụp, nên uống nhiều nước và 1 vài trường hợp cần nghỉ ngơi ngắn để theo dõi thêm.
  • Bệnh nhân đang mang thai, cho con bú phải báo trước với bác sĩ.
  • Có thể xảy ra kết quả chẩn đoán âm tính giả hoặc dương tính giả

[Tầm soát ung thư lưỡi ở đâu] Top 9+ địa điểm UY TÍN

Trên đây là 6 phương pháp xét nghiệm ung thư lưỡi, quy trình và lưu ý khi xét nghiệm. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu hơn về xét nghiệm ung thư lưỡi và có thể tự tin đi xét nghiệm nay khi thấy dấu hiệu bất thường ở lưỡi.

Các tìm kiếm liên quan khác: tầm soát ung thư lưỡi, xét nghiệm ung thư lưỡi, sinh thiết lưỡi, tầm soát ung thư lưỡi ở đâu, hình ảnh ung thư lưỡi giai đoạn đầu, …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *