7 cách kiểm tra ung thư tuyến tụy CHÍNH XÁC nhất

Tin mới 19/06/2021 23:27:43. Views: 5,553.

Ung thư tụy là một loại ung thư ít phổ biến. Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế, năm 2020, ung thư tụy chỉ xếp thứ 13 về tỷ lệ mắc tuy nhiên đứng hàng thứ 7 về tỷ lệ vong. Thời điểm phát hiện bệnh có ý nghĩa rất lớn với tiên lượng của bệnh nhân. Vậy có những cách nào để kiểm tra ung thư tuyến tụy? Cùng tìm hiểu với IIMS-VNM qua bài viết dưới đây.

Đọc thêm các bài viết khác cũng chủ đề:

Cách kiểm tra ung thư tuyến tụy

Cách kiểm tra ung thư tuyến tụy

1. Thông tin cần biết về ung thư tuyến tụy

1.1. Ung thư tuyến tụy là gì?

Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm ở sâu trong ổ bụng, phía trước được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia làm 3 phần chính, lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu, thân và đuôi tụy. Tụy đảm nhận 2 chức năng chính, đó là tiết enzym giúp tiêu hóa thức ăn ở ruột non (chức năng ngoại tiết) và tiết hormone tham gia chuyển hóa đường của cơ thể (chức năng nội tiết).

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy tăng lên không thể kiểm soát và tạo thành các khối u. Điều này có thể xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của tụy, bao gồm các tế bào ngoại tiết, tế bào nội tiết hay tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Tuy nhiên, phần lớn ung thư tuyến tụy có nguồn gốc từ mô ngoại tiết, bắt đầu từ các tế bào lót ống dẫn enzym tiêu hóa ra khỏi tụy (ung thư biểu mô tuyến tụy).

Theo thống kê từ Globocan – Một dự án của cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), năm 2020, Việt Nam có 1.113 ca mắc mới và 1.065 ca tử vong do ung thư tụy. Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu.

Trên thực tế, tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9.3%. Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với các loại ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy nằm rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tụy

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của ung thư tuyến tụy vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Tuổi tác: Nguy cơ phát triển ung thư tụy tăng lên khi con người già đi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư tụy nhiều hơn so với nữ giới.
  • Yếu tố di truyền: Khoảng 10 – 15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền. Một số trường hợp đột biến gen (hội chứng di truyền) làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư trong đó có ung thư tụy. Ngoài ra, nếu trong gia đình có người bị ung thư tụy thì khả năng bạn cũng có thể mắc căn bệnh này.
  • Hút thuốc lá: Nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy ở những người hút thuốc cao gấp 2 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Khoảng 25% trường hợp ung thư tuyến tụy được cho là do hút thuốc lá.
  • Các bệnh lý mãn tính ở tụy như đái tháo đường, viêm tụy mạn, xơ nang tụy, v.v.
  • Những người thừa cân, béo phì, ít vận động, người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều khói bụi và hóa chất cũng có nguy cơ cao mắc ung thư tụy hơn người bình thường.
Hút thuốc lá nguyên nhân gây ung thư tuyến tuỵ

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy

1.3. Triệu chứng ung thư tuyến tụy

Tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tụy cao bởi lẽ bệnh hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu – thời điểm bệnh nhân có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất. Triệu chứng của ung thư tụy trong giai đoạn sớm thường rất nghèo nàn và dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Khi triệu chứng xuất hiện và tăng dần thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn muộn hoặc di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể.

Dưới đây là một số dấu hiệu sớm bạn nên để ý tới để đi kiểm tra ung thư tuyến tuỵ ngay

  • Đau bụng

Đây là triệu chứng sớm và thường gặp của ung thư tụy. Cơn đau xuất hiện từ từ, tăng dần. Ban đầu, có thể chỉ là đau nhói ở vùng thượng vị nên người bệnh dễ nhầm lẫn với đau dạ dày. Sau đó, đau lan sang 2 bên, ra sau lưng với cường độ mạnh hơn. Một số trường hợp, người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.

  • Vàng da, nước tiểu sẫm màu

Triệu chứng xảy ra do khối u tụy gây tắc ống mật, làm cho dịch mật không xuống được tá tràng, tràn vào trong máu gây nên. Vàng da có thể gây ngứa, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra, tình trạng tắc ống mật còn gây ra triệu chứng nước tiểu sẫm màu. Ở người ung thư tuyến tụy, nước tiểu có thể chuyển màu vàng cam hoặc nâu do dư thừa bilirubin trong máu.

  • Đi ngoài phân sống

Khối u làm cho enzym tụy không xuống được ruột non tiêu hóa thức ăn dẫn tới tiêu chảy, đi ngoài phân sống, nặng mùi.

  • Giảm cân đột ngột.
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu.
  • Buồn nôn, nôn.

Có một hay nhiều các triệu chứng trên đây không có nghĩa chắc chắn bạn đã mắc ung thư tụy. Trên thực tế, có thể gặp những dấu hiệu này trong nhiều bệnh lý khác, đặc biệt các bệnh lý của đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn nên tới gặp bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số chúng.

Đi khám bác sĩ

Hãy tới gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời nếu bạn có các dấu hiệu trên

2. 7 cách giúp kiểm tra ung thư tuyến tụy

Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên khi bạn tới bệnh viện kiểm tra ung thư tuyến tụy. Dựa trên các thông tin yếu tố nguy cơ, tiền sử, triệu chứng mà bạn cung cấp cùng với kết quả thăm khám, nếu có bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác.

2.1. Xét nghiệm hình ảnh

2.1.1. Siêu âm

Phương pháp sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Trong các trường hợp không rõ điều gì có thể gây ra các triệu chứng ở bụng của bệnh nhân, đây là phương pháp xét nghiệm đầu tiên được thực hiện.

Ưu điểm: Phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, không gây xâm lấn và không cần tiếp xúc với bức xạ.

Nhược điểm: Độ chính xác không cao. Do tụy nằm sâu bên trong cơ thể, kích thước nhỏ, thường bị che lấp bởi hơi trong dạ dày và đại tràng nên việc siêu âm có thể gặp khó khăn.

2.1.2. Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp kiểm tra sử dụng tia X để tạo nên hình ảnh lát cắt ngang của cơ thể. Đây là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy vì nó có thể cho thấy hình ảnh tuyến tụy khá rõ ràng. Chụp CT có cản quang sẽ giúp cho việc quan sát và phân tích khối u thêm chính xác.

Chụp cắt lớp vi tính

Chụp CT là phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Ưu điểm:

  • Phát hiện, xác định vị trí, kích thước các khối u ở tụy.
  • Phát hiện, đánh giá được mức độ xâm lấn, di căn của khối u tới các cơ quan gần tụy cũng như các hạch bạch huyết hay các cơ quan khác ở xa khi chụp CT toàn thân.
  • Xác định khả năng điều trị bệnh bằng phẫu thuật.
  • Không xâm lấn, không gây cảm giác khó chịu, thực hiện nhanh chóng, dễ dàng.

Nhược điểm:

  • Đôi khi không thể phát hiện được khối u có kích thước nhỏ.
  • Độ phân giải hình ảnh mô mềm không bằng cộng hưởng từ MRI.
  • Trong quá trình chụp, người bệnh có thể bị dị ứng với thuốc cản quang, nhiễm xạ và phản ứng.

2.1.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Phương pháp sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể thay vì tia X như trong chụp CT. Với các bệnh lý gan, mật, tụy, chụp cộng hưởng từ MRI cho giá trị chẩn đoán tương tự so với CT.

Máy chụp cộng hưởng từ MRI

Máy chụp cộng hưởng từ MRI

Ưu điểm:

  • Hình ảnh có độ phân giải cao, rõ ràng, sắc nét.
  • Tương tự như với CT, MRI giúp xác định vị trí, kích thước khối u, mức độ xâm lấn của khối u tới các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Không xâm lấn, không gây khó chịu, an toàn do không sử dụng tia phóng xạ

Nhược điểm:

  • Giá thành cao.
  • Thời gian chụp lâu và tạo tiếng ồn lớn khi chụp.

2.1.4. Chụp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

ERCP là phương pháp sử dụng ống nội soi qua ngã dạ dày, tá tràng để quan sát đường mật, giúp xác định được nguyên nhân gây tắc nghẽn như u bóng Vater, carcinoma đường mật (ung thư đường mật), viêm hoặc ung thư tụy dẫn tới chèn ép. Ngoài ra, thông qua ERCP, bác sĩ có thể đặt một stent hoặc ống sonde giúp dẫn lưu ống mật chủ bị tắc.

Ưu điểm:

  • Phương pháp xâm phạm ít, thời gian can thiệp nhanh.
  • Chi phí thực hiện không cao.

Nhược điểm: Có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn với thuốc gây mê.

2.2. Siêu âm nội soi (EUS)

Siêu âm qua nội soi (EUS) kiểm tra ung thư tuyến tụy là phương pháp kết hợp thực hiện siêu âm tụy trong khi nội soi dạ dày tá tràng bằng một thiết bị đặc biệt. Hình ảnh siêu âm của tuyến tụy nhận được xuyên qua thành dạ dày.

Siêu âm nội soi (EUS)

Siêu âm nội soi (EUS)

Ưu điểm:

  • Phương pháp có độ nhạy cao trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy.
  • Phát hiện được cả khối u có kích thước nhỏ không thấy được trên CT scan thông thường.
  • Xác định mức độ xâm lấn của khối u tụy vào mạch máu lớn.
  • Có thể kết hợp lấy mẫu tế bào (sinh thiết) trong khi thực hiện kiểm tra này.

Nhược điểm: Có thể gây cảm giác khó chịu của người bệnh do phải sử dụng kết hợp nội soi dạ dày.

2.3. Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để tìm các chất chỉ điểm khối u do tế bào ung thư tụy tiết ra, chủ yếu là CA 19-9 (kháng nguyên ung thư cancer antigen 19-9). Ngoài ra, một chất chỉ điểm ung thư khác là CEA (kháng nguyên carcinoembryonic) cũng được sử dụng nhưng không phổ biến bằng.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp theo dõi điều trị ung thư tuyến tụy và tiên lượng bệnh

Ưu điểm:

  • Góp phần chẩn đoán ung thư tụy khi triệu chứng không rõ ràng hoặc trường hợp ung thư tái phát và di căn.
  • Có giá trị trong theo dõi điều trị ung thư tuyến tụy và tiên lượng bệnh.

Nhược điểm:

  • Cần kết hợp với các phương pháp khác để có kết quả chẩn đoán chính xác.
  • Dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính và ung thư khác, không đặc hiệu.
  • Khó phát hiện được ung thư khi ở giai đoạn sớm.

2.4. Sinh thiết

Sinh thiết tuyến tụy là phương pháp kiểm tra dùng dụng cụ y khoa chuyên dụng lấy một mẩu nhỏ tế bào ở vùng tụy bị tổn thương. Sau đó, bác sĩ sẽ đem mẫu tế bào này đi nhuộm màu và quan sát dưới kính hiển vi hoặc phân tích hóa học.

Có 2 phương pháp sinh thiết tuyến tụy là sinh thiết qua siêu âm nội soi và sinh thiết qua da bằng cách tiếp cận tổn thương qua các tạng lân cận. Do tụy nằm sâu sau phúc mạc, được nhiều tạng và mạch máu lớn bao quanh, trong khi khối u tụy và khối quang tụy thường nhỏ nên phương pháp sinh thiết qua siêu âm nội soi vẫn thường được ưu tiên lựa chọn hơn sinh thiết qua da.

Ưu điểm:

  • Có thể xác định chắc chắn tế bào ung thư và người bệnh có bị ung thư tuyến tụy không.
  • Đánh giá được giai đoạn, mức độ của ung thư.

Nhược điểm:

  • Kết quả của phương pháp sinh thiết tuyến tụy phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm lấy mẫu của bác sĩ xét nghiệm.
  • Nếu lấy mẫu sinh thiết ở hai vị trí hoặc hai thời điểm khác nhau thì kết quả có thể chênh lệch.

3. Lưu ý khi kiểm tra ung thư tuyến tụy

Một số lưu ý khi thực hiện kiểm tra ung thư tuyến tụy:

Lưu ý khi kiểm tra ung thư tuyến tuỵ

Hãy thông báo đầy đủ và rõ ràng những triệu chứng bạn đang gặp cho bác sĩ

  • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm để thực hiện kiểm tra ung thư tuyến tụy.
  • Thông báo với bác sĩ đầy đủ, rõ ràng tình trạng sức khỏe của bạn: Tiền sử bản thân và gia đình, triệu chứng hiện có, các thuốc đang sử dụng, v.v.
  • Nên nhịn ăn sáng trước buổi xét nghiệm. Không sử dụng rượu bia, hút thuốc và các chất có cồn khoảng 24h trước xét nghiệm.
  • Trước khi thực hiện các xét nghiệm, bạn sẽ được giải thích đầy đủ về quy trình, mục đích và những rủi ro có thể gặp, hãy cân nhắc thật kỹ và lựa chọn phương pháp kiểm tra phù hợp.
  • Nếu kết quả kiểm tra bình thường, bạn vẫn nên có lối sống lành mạnh, khoa học và thực hiện tầm soát ung thư tụy định kỳ.

4. Ung thư tuyến tụy có chữa được không?

Ung thư tuyến tụy tiến triển qua 4 giai đoạn. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh.

Có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị ung thư tụy: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với điều trị nhắm trúng đích, điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2, thậm chí đầu giai đoạn 3) có thể xử lý triệt để bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Để làm được điều này, bệnh nhân cần được tầm soát ung thư hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tụy nằm ở vị trí đặc biệt, vì vậy, để điều trị triệt để, một ca phẫu thuật ung thư tụy có thể sẽ phải cắt bỏ nhiều bộ phận như: túi mật, đường mật, một phần ruột non, tá tràng… Điều này làm cho chất lượng sống của bệnh nhân sau khi phẫu thuật bị ảnh hưởng nhiều.

Nếu có thể phẫu thuật, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân chỉ khoảng 9%. Trong trường hợp không thể điều trị bằng phẫu thuật được thì phần lớn bệnh nhân không sống được quá 1 năm sau khi phát bệnh. Tỷ lệ tử vong rất cao, do đó ung thư tụy được mệnh danh là ung thư tử thần.

Ung thư tuỵ có tỷ lệ tử vong cao

Ung thư tụy là bệnh có tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong cao

5. Tham khảo ý kiến y tế thứ 2

Việc đối mặt với một chẩn đoán y khoa mới thường làm bệnh nhân bối rối, lo lắng, đặc biệt là chẩn đoán kiểm tra ung thư tuyến tụy – bệnh có tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong cao. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không tin tưởng vào kết quả chẩn đoán ban đầu và thường có xu hướng tìm kiếm thêm những sự khẳng định chắc chắn cho chẩn đoán đó.

Chính vì vậy, việc có ý kiến đóng góp từ một chuyên gia uy tín khác – Ý kiến y tế thứ 2 có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt với các bệnh ung thư nói chung và ung thư tụy nói riêng.

Ý kiến y tế thứ 2 cung cấp cho bạn cơ hội được tư vấn bởi những chuyên gia đầu ngành tại Nhật Bản. Điều này giúp bệnh nhân có thể an tâm hơn về phác đồ điều trị. Với ý kiến y tế thứ 2, bạn có thêm kiến thức về tình trạng của mình, tiếp cận những phương pháp điều trị hiện đại, tiên tiến trên thế giới để từ đó đưa ra những quyết định, lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bản thân.

Ý kiến y tế thứ 2

Ý kiến y tế thứ 2 giúp người bệnh yên tâm hơn về phác đồ điều trị

Hiểu được điều đó, IIMS-VNM cung cấp cho khách hàng dịch vụ ý kiến y tế thứ 2, hỗ trợ bạn kết nối với các chuyên gia y tế tại một trong những tập đoàn y tế hàng đầu Nhật Bản – Đất nước đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực điều trị ung thư. Bạn sẽ không phải tốn thời gian, công sức và cả chi phí để di chuyển tới Nhật Bản, vẫn có thể lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia y tế quốc tế, giàu chuyên môn, uy tín hợp tác với chúng tôi. Tất cả đều được thực hiện từ xa, dễ dàng, thuận tiện mà còn tiết kiệm.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn khi bạn muốn kiểm tra ung thư tuyến tuỵ, bạn có thể liên hệ với IIMS-VNM qua một trong các hình thức sau:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ