Xét nghiệm ung thư

Tin mới 09/11/2020 13:08:34. Views: 4,712.

Ung thư là căn bệnh đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh. Phát hiện sớm ung thư giúp bệnh nhân có những phương pháp phù hợp giúp tăng chất lượng sống và cơ hội điều trị khỏi bệnh. Đây là lý do khiến các xét nghiệm ung thư được rất nhiều người quan tâm và tìm kiếm trong thời gian gần đây.

Xem thêm: [Giải đáp câu hỏi] Xét nghiệm máu có biết ung thư không?

1. Xét nghiệm ung thư là gì?

Trước khi tìm hiểu chi tiết, bạn cần hiểu được xét nghiệm ung thư là gì và ai nên thực hiện xét nghiệm này.

1.1. Khái niệm

Xét nghiệm ung thư là kỹ thuật sàng lọc giúp phát hiện sớm sự xuất hiện của các tế bào khối u. Nguyên tắc của các xét nghiệm này là sử dụng phương pháp định tính hoặc định lượng để xác định các chất chỉ điểm ung thư. Các chất này có thể được tiết ra bởi tế bào ung thư hoặc chính tế bào lành tính của cơ thể khi ung thư xuất hiện.

Chất chỉ điểm khối u có thể xuất hiện trong huyết tương, huyết thanh, trong máu, trong phân hoặc các dịch của cơ thể. Với mỗi loại ung thư khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Tính chính xác của các xét nghiệm ung thư phụ thuộc vào độ nhạy và độ đặc hiệu của từng xét nghiệm. Xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp có thể cho kết quả dương tính giả. Do đó, khi tầm soát ung thư, bệnh nhân cần tiến hành đồng thời nhiều kỹ thuật khác nhau trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Xét nghiệm ung thư là gì

Xét nghiệm ung thư cho phép phát hiện dấu vết của tế bào ung thư ngay từ giai đoạn sớm.

1.2. Đối tượng nên xét nghiệm ung thư

Đối tượng nên xét nghiệm ung thư là những người có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, những đối tượng dễ bị mắc ung thư bao gồm:

  • Người cao tuổi: Đây là những người có hệ miễn dịch kém, chức năng thanh lọc và tái tạo của cơ thể bị giảm đi nhiều. Do đó, cơ thể dễ bị tấn công bởi các yếu tố có hại từ môi trường gây ra bệnh ung thư.
  • Người có gen ung thư: Thực tế cho thấy, những người có người thân trong gia đình từng mắc ung thư có tỷ lệ bị bệnh cao hơn bình thường. Do đó, những người này được khuyến cáo nên có kế hoạch xét nghiệm ung thư định kỳ.
  • Người làm việc trong môi trường ô nhiễm: Những công nhân trong ngành dệt may, hóa chất, phóng xạ, khai thác khoáng sản,… có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Nguyên nhân là những hóa chất công nghiệp khi đi vào cơ thể khiến tế bào bị biến đổi và làm hình thành các khối u.
  • Những người thường dùng chất kích thích: Bao gồm các loại: rượu, bia, thuốc lá,… Những chất này có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa và hô hấp. Do đó, nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư thực quản,… của nhóm người này cao hơn hẳn.

2. Các phương pháp xét nghiệm ung thư

Mỗi loại ung thư sẽ có những xét nghiệm đặc trưng riêng. Dưới đây là thông tin chi tiết để bạn đọc tham khảo.

Dịch vụ tầm soát ung thư: Các xét nghiệm và chi phí

2.1. Xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung được áp dụng với các mẫu bệnh lấy từ cổ tử cung hoặc máu của người bệnh. Có 4 xét nghiệm chính được dùng trong sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm:

Xét nghiệm Pap smear

Kỹ thuật viên sẽ dùng bàn chải tế bào để lấy mẫu bệnh phẩm tại cổ tử cung. Tiếp theo đó, mẫu bệnh này được phết lên lam kính, nhuộm màu và soi dưới kính hiển vi. Dưới độ phóng đại lớn, bác sĩ dễ dàng phát hiện được sự có mặt của tế bào ung thư hoặc tế bào nhiễm virus HPV.

Pap smear được khuyến khích thực hiện ở nữ giới trên 21 tuổi và lặp lại sau mỗi 2 – 3 năm. Từ 30 tuổi trở đi, xét nghiệm PAP được khuyến cáo thực hiện sau 3 – 5 năm, kết hợp với xét nghiệm HPV.

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Pap Smear

Mẫu bệnh phẩm được phết lên lam kính bằng phương pháp thủ công.

Xét nghiệm Cobas test

Đây là xét nghiệm cho phép xác định tình trạng nhiễm virus HPV dựa trên kỹ thuật HPV DNA. Cobas test có độ đặc hiệu cao lên đến 99% và có thể cho kết quả về 12 chủng virus HPV chỉ với một mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm cũng trả kết quả riêng cho 2 chủng virus nguy hiểm nhất là HPV 16 và HPV 18. Do đó, xét nghiệm này là một “trợ thủ đắc lực” của các bác sĩ.

Phụ nữ trên 30 tuổi nên thực hiện đồng thời Cobas Test và Pap smear với tần suất 3 năm/ lần để sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm Thinprep

Loại xét nghiệm này tương đối giống với xét nghiệm Pap smear. Tuy nhiên, thay vì phết mẫu bệnh thủ công trên lam kính, tế bào sẽ được dàn mỏng bởi kỹ thuật chuyển tế bào bằng màng lọc. Tế bào cổ tử cung trải đều trên lam kính giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra và tránh được sai sót.

Xét nghiệm Thinprep được hướng dẫn thực hiện ở phụ nữ từ 21 -29 tuổi khoảng 1 lần/ năm. Từ 30 tuổi trở đi, nếu được xác nhận âm tính với virus HPV, bạn nên thực hiện xét nghiệm này định kỳ 3 năm/ lần.

2.2. Xét nghiệm ung thư vòm họng

Xét nghiệm ung thư vòm họng được thực hiện khi các bác sĩ phát hiện bất thường trong quá trình khám lâm sàng cho bệnh nhân. Các xét nghiệm ung thư vòm họng phổ biến nhất gồm có:

Sinh thiết vòm họng

Sinh thiết vòm họng thường được chỉ định sau khi bệnh nhân thực hiện nội soi và phát hiện khối u bất thường trong vòm họng. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên môn để tách một phần mô tại vị trí nghi ngờ có tế bào ung thư phát triển.

Mẫu bệnh phẩm sinh thiết được đem soi dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào bất thường trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Xét nghiệm ung thư vòm họng bằng phương pháp sinh thiết

Mẫu bệnh được soi dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường.

Sinh thiết hạch hàm FNA

Đây là phương pháp chọc hút qua da lấy mẫu mô của khối u dưới hướng dẫn của siêu âm. Mẫu bệnh phẩm thu được được phân tích để làm rõ bản chất của khối u. Kết quả này là cơ sở để bác sĩ thực hiện định hướng điều trị cho bệnh nhân.

Kỹ thuật chọc hút hạch FNA giúp lấy được mẫu bệnh phẩm tại vị trí nghi ngờ, ít gây đau đớn và cho phép xác định bệnh ngay từ giai đoạn sớm.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu xác định ung thư vòm họng bao gồm các phản ứng huyết thanh IgA/EBNA, IgA/EA, IgA/VCA để tìm kháng nguyên của virus Epstein Barr. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xác định thêm một số dấu ấn ung thư khác như nồng độ CEA.

Xét nghiệm hóa sinh cần thực hiện liên tục trong suốt quá trình tầm soát và điều trị bệnh. Điều này giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng chính xác về sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, tính đặc hiệu của các xét nghiệm máu trong sàng lọc ung thư vòm họng không cao. Do đó, xét nghiệm này cần thực hiện đồng thời với các kỹ thuật chẩn đoán khác trước khi đưa ra kết luận.

2.3. Xét nghiệm ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Các xét nghiệm ung thư đại tràng giúp sàng lọc được bệnh từ giai đoạn mới chớm. Nhờ đó, cơ hội điều trị khỏi bệnh và chất lượng sống của người bệnh tốt hơn.

Dưới đây là 2 loại xét nghiệm ung thư đại tràng phổ biến nhất.

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Ở người có đại tràng khỏe mạnh, phân không chứa máu. Tuy nhiên, khi đại tràng bị tổn thương như: viêm, loét, polyp, khối u,…. các mạch máu trên niêm mạc tăng sinh và dễ bị vỡ. Điều này khiến máu thoát ra và lẫn vào phân. Dựa trên nguyên tắc đó, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân trở thành xét nghiệm có giá trị sàng lọc ung thư đại tràng.

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân có thể được thực hiện bằng các phản ứng hóa học (phương pháp gFOBT) hoặc kỹ thuật miễn dịch hóa học (iFOBT). Trong đó, kỹ thuật iFOBT giúp phân biệt được máu trong phân là máu từ đại tràng hay các vị trí khác trong ống tiêu hóa. Người bệnh thực hiện iFOBT cũng không cần ăn kiêng và lấy mẫu nhiều lần. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện loại xét nghiệm này cũng cao hơn.

Xét nghiệm ung thư đại tràng bằng phương pháp tìm máu ẩn trong phân

Xét nghiệm iFOBT giúp xác định máu trong phân đến từ phần nào của ống tiêu hóa.

Xét nghiệm ADN trong phân

Phương pháp này cho phép xác định ADN bất thường của tế bào polyp hoặc ung thư. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để tìm khối u trong đại tràng để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Xét nghiệm này được khuyến khích nên thực hiện 3 năm/ lần để tầm soát ung thư đại tràng.

2.4. Xét nghiệm ung thư dạ dày

Tầm soát ung thư dạ dày là vấn đề đang được nhiều người quan tâm bởi đây loại ung thư hay gặp nhất trong số các ung thư đường tiêu hoá. Trên thế giới, hàng năm có khoảng 600.000 – 700.000 ca ung thư dạ dày mới được phát hiện. Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới.

Nội soi dạ dày

Phương pháp này cho phép quan sát trực tiếp khu vực cần kiểm tra. Trong khi nội soi, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô (sinh thiết) để xác nhận chẩn đoán. Nội soi rất quan trọng để phát hiện ung thư giai đoạn sớm phát triển từ lớp niêm mạc phủ trên hoặc dưới của ống tiêu hóa. Những người có nguy cơ cao được khuyến cáo nên kiểm tra sớm và thường xuyên hơn.

Sinh thiết dạ dày

Kỹ thuật này được chỉ định nếu trong quá trình nội soi bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bất thường. Mẫu bệnh phẩm từ vị trí tổn thương sẽ được đem soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư, vi khuẩn HP và xác định mức độ viêm loét dạ dày.
Dựa vào kết quả sinh thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán về tình trạng dạ dày hiện tại của bệnh nhân.

Ngoài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thì các xét nghiệm cũng là “trợ thủ” đắc lực của bác sĩ trong chẩn đoán ung thư dạ dày.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu được tiến hành để tìm kiếm các các dấu ấn ung thư như: CA72-4, CA19-9, CEA,… Tuy nhiên, các dấu ấn này xuất hiện ở khá nhiều loại ung thư không được sử dụng làm kết quả chẩn đoán.

Sau khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh cần tiếp tục làm một số xét nghiệm hoặc kỹ thuật sàng lọc khác trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Xét nghiệm ung thư dạ dày bằng phương pháp xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư dạ dày.

2.5. Xét nghiệm ung thư phổi

Tương tự như những ung thư khác, ung thư phổi có thể được xác định thông qua các xét nghiệm sàng lọc. Tùy vào trang thiết bị và quy trình bệnh viện mà người bệnh có thể được chỉ định xác xét nghiệm dưới đây:

Xét nghiệm mô bệnh học

Là xét nghiệm được thực hiện sau khi nội soi phế quản hoặc quá trình sinh thiết xuyên thành ngực. Mẫu mô lấy được từ khối u sẽ được đem đi xét nghiệm để xác định có phải tế bào ung thư hay không.

Xét nghiệm tế bào học

Thay vì sinh thiết mô, các bác sĩ tiến hành chọc dò dịch màng phổi hoặc hút tế bào hạch. Mẫu bệnh được đem đi phân tích để tìm ra tế bào ác tính tại phổi.

Xét nghiệm máu tìm dấu ung thư phổi

Có khá nhiều chất được dùng để làm dấu ấn ung thư phổi, cụ thể:

  • Cyfra 21 – 1: Đây là xét nghiệm hỗ trợ cho việc chẩn đoán ung thư tế bào nhỏ. Nồng độ Cyfra 21 – 1 đáng lo ngại nếu thấp hơn 3.3 µg/L.
  • NSE: Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư NSE có giá trị chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ. Thống kê cho thấy, có tới 72% trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ có nồng độ NSE trong huyết thanh vượt mức 25 ng/mL
  • ProGRP: Xét nghiệm này giúp phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các loại ung thư phổi khác. Đây là xét nghiệm đặc biệt quan trọng với những trường hợp không thể làm sinh thiết khối u trong phổi.
  • CEA: Người bệnh bị nghi ngờ nhiễm ung thư nếu nồng độ CEA vượt quá 10 ng/mL. Tuy nhiên, tính đặc hiệu của xét nghiệm này chỉ đạt 29%.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm các dấu ấn ung thư khác như: SCC, CA 19 – 9, Cyfra 21-1, CEA.

Xét nghiệm ung thư phổi bằng phương pháp xét nghiệm máu tìm dấu ấn

Xét nghiệm máu giúp xác định được dấu vết ung thư từ giai đoạn sớm.

2.6. Xét nghiệm ung thư gan

Xét nghiệm ung thư gan được thực hiện với 3 loại chất chỉ điểm ung thư bao gồm: AFP, AFP-L3 và DCP. Dưới đây là thông tin chi tiết về 3 xét nghiệm này:

Xét nghiệm AFP

AFP là một chất được sinh ra khi người bệnh bị ung thư gan hoặc mắc các bệnh về gan như: suy gan, viêm gan, xơ gan,… Ở người bình thường, nồng độ AFP trung bình là 25UI/ml. Nếu chỉ số này tăng cao, người bệnh có nguy cơ bị mắc ung thư gan. Các bác sĩ cho biết, độ chính xác của xét nghiệm AFP có thể lên đến 80 – 90%.

Việc tầm soát ung thư gan được bác sĩ khuyến cáo là thực hiện 6 tháng/ lần để phát hiện bệnh sớm. Trường hợp xét nghiệm AFP bất thường, cần kết hợp thực hiện kiểm tra siêu âm gan.

Xét nghiệm ung thư gan bằng phương pháp xét nghiệm AFP

Xét nghiệm APF nên thực hiện khoảng 6 tháng một lần.

Xét nghiệm AFP – L3

AFP – L3 là một dạng cấu tạo chia nhỏ của AFP. Chất này được sản xuất ra bởi tế bào gan ác tính. Do đó, kết quả xét nghiệm AFP – L3 có độ đặc hiệu đạt đến 90%.

Thông thường, tỷ lệ nồng độ AFP – L3 không vượt quá 10% trong AFP toàn phần. Do đó, khi chỉ số này cao hơn 10%, người bệnh được chẩn đoán là có nguy cơ ung thư gan trong vòng 21 tháng sau đó và có thể phát hiện sớm trước các phương tiện chẩn đoán hình ảnh từ 3 đến 21 tháng. Độ nhạy và độ đặc hiệu của AFP-L3 trong chẩn đoán dao động từ 36-66% và 77-95%.

Xét nghiệm DCP

DCP là một chất được sinh ra bởi các khối u trong gan và tăng cao hơn trong trường hợp ung thư gan nguyên phát. Do đó, độ đặc hiệu của xét nghiệm này lên đến 85%.

Không dừng lại ở sàng lọc, xét nghiệm DCP còn cho phép bác sĩ xác định được kích thước khối u và theo dõi hiệu quả sau phẫu thuật cắt bỏ khối u trong gan.

2.7. Xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Dưới đây là những xét nghiệm giúp chẩn đoán, sàng lọc sớm căn bệnh này.

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp cho phép phân biệt những tổn thương thể nhân với lỏng. Xét nghiệm này có thể làm rõ thương tổn có kích thước nhỏ (3-4mm).

Chọc hút tế bào

Bác sĩ dùng 1 kim nhỏ để chọc dịch từ khối u và các hạch tại cổ của người bệnh. Mẫu bệnh phẩm thu được được đem soi dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường. Đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán trong ung thư tuyến giáp với độ đặc hiệu lên đến 90%.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định nồng độ của Calcitonin, TSH & FT3. Với mỗi giá trị sẽ cho ra những chẩn đoán khác nhau, cụ thể:

  • Nồng độ Calcitonin: Giúp chẩn đoán ung thư tuyến giáp dạng ung thư biểu mô thể tủy.
  • Hàm lượng TSH &T3: Phân biệt ung thư tuyến giáp và bệnh bướu cổ.

2.8. Xét nghiệm ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng thường được phát hiện trong quá trình chị em siêu âm hoặc nội soi buồng trứng. Tuy nhiên, một số xét nghiệm dưới đây cũng cho phép phát hiện ung thư buồng trứng.

Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư CA – 125

CA-125 là một chất được sinh ra bởi tế bào khối u và cho giá trị cao hơn ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Ngưỡng CA – 125 được xác định là bình thường khi không vượt quá 35U/mL. Nồng độ này càng cao thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng cao.

Tuy nhiên, nồng độ CA – 125 cũng tăng cao ở nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc những người mắc các bệnh : ung thư vú, xơ gan, u xơ tử cung, nhiễm trùng vùng chậu, ung thư phổi, ung thư nội mạc tử cung, tuyến tụy,… Do đó, xét nghiệm này chỉ có giá trị định hướng chứ không thể chẩn đoán bệnh. Để đưa ra kết luận cuối cùng, bệnh nhân còn phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.

Xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng phương pháp tìm dấu ấn ung thu CA-125

Nồng độ CA – 125 cao cảnh báo nguy cơ ung thư buồng trứng.

Sinh thiết buồng trứng

Với phương pháp này, bác sĩ lấy một mẫu tế bào ở buồng trứng và đem soi dưới kính hiển vi để có thể phát hiện ra các tế bào bất thường và đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng mắc ung thư buồng trứng hay không.

2.9. Xét nghiệm ung thư thực quản

Ung thư thực quản thường xuất hiện ở những người hút thuốc lá lâu năm hay bị trào ngược dạ dày mãn tính. Bệnh có thể được sàng lọc thông qua các xét nghiệm dưới đây.

Nội soi thực quản, sinh thiết

Dùng một ống mỏng có đèn sáng gọi là ống nội soi đưa vào thực quản – dạ dày. Nếu có nghi ngờ vùng bất thường của thực quản, các bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm tế bào và mô bệnh học qua nội soi để quan sát dưới kính hiển vi điện tử, quy trình này được gọi là giải phẫu bệnh. Từ đó có thể phát hiện tế bào ung thư hoặc các bất thường trong tổ chức tế bào hay các tổn thương khác.

3. Chi phí xét nghiệm ung thư

Xét nghiệm tầm soát ung thư không phải là một hạng mục kiểm tra sức khỏe phổ biến tại Việt Nam. Lý do chủ yếu là chi phí tầm soát ung thư còn cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân. Để hạn chế những xét nghiệm không cần thiết, nhiều bệnh viện đã chia nhỏ gói tầm soát cho từng loại ung thư khác nhau. Điều này giúp người bệnh tiết kiệm chi phí hơn.

Mức chi phí cho việc xét nghiệm ung thư thay đổi tùy theo từng gói tầm soát và thủ thuật người bệnh cần thực hiện. Ngoài ra, mức phí cũng thay đổi theo quy định của từng bệnh viện. Những bệnh viện có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại thường tốn nhiều chi phí hơn các đơn vị nhỏ. Bù lại, người bệnh sẽ được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt hơn, thời gian thực hiện nhanh và tỷ lệ chính xác của các xét nghiệm cao hơn.

Để biết chính xác mức phí, người bệnh cần đến cơ sở y tế để xác định gói tầm soát và những xét nghiệm cần thực hiện.

Khám ung thư ở đâu TỐT NHẤT tại Hà Nội và TP.HCM?

Ngoài lựa chọn xét nghiệm ung thư tại các bệnh viện trong nước, bạn có thể thực hiện xét nghiệm ung thư tại Nhật Bản với sự hỗ trợ của công ty IMS Việt Nam.

Xét nghiệm ung thư tại Nhật Bản

Xét nghiệm ung thư tại Nhật Bản là trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều bệnh nhân.

IMS Việt Nam là đại diện của tập đoàn y tế IMS Nhật Bản. Đây là tập đoàn y tế lớn thứ 2 tại Nhật Bản với hệ thống y tế gồm: Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Bệnh viện đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà dưỡng lão… Tập đoàn IMS đặt công ty đại diện ở Việt Nam với mục tiêu đem đến cơ hội cho người dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với nền Y tế Nhật Bản.

Sau khi liên hệ với công ty IIMS Việt Nam, bạn sẽ được tư vấn chi tiết về các gói khám, địa chỉ khám phù hợp và hỗ trợ sắp xếp phiên dịch trong suốt quá trình khám. Ngoài ra, bạn cũng được công ty hỗ trợ thủ tục xin visa và các dịch vụ lưu trú khác tại Nhật Bản.

Để biết chi tiết hơn về dịch vụ xét nghiệm ung thư tại Nhật Bản, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp qua:

  • Địa chỉ: 11-01, tầng 11, tòa nhà Prime Centre, số 53 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
  • Hotline: 024 3944 0914
  • Email: info@iims-vnm.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *