Phương thức điều trị ung thư mới dựa trên vaccine công nghệ mRNA

Tin mới 27/09/2021 16:29:11. Views: 3,079.

Đại dịch Covid-19 đã giúp công chúng biết tới vắc xin phòng ngừa coronavirus dựa trên công nghệ mới mRNA của các hãng dược Pfizer và Moderna. Tuy nhiên ít ai biết được rằng công nghệ này còn có khả năng sẽ là một vũ khí tối tân có thể chống lại các loại ung thư khó điều trị trong tương lai. Cùng IIMS Việt Nam tìm hiểu thêm về vắc xin mRNA trong điều trị ung thư qua bài viết dưới đây.

1. Vắc xin mRNA trong điều trị ung thư

RNA thông tin (Messenger RNA hay mRNA) là vật liệu di truyền cho cơ thể biết cách tạo ra protein. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết mọi người đều chưa biết đến vắc xin mRNA. Trong thực tế, từ nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã triển khai việc phát triển vaccine mRNA để chống lại ung thư, các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, và một số bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như vi rút hợp bào hô hấp. Ông Daniel Anderson, người đi đầu trong lĩnh vực vật liệu trị liệu nano và vật liệu sinh học tại Viện công nghệ Massachusetts và là thành viên của Viện Koch về Nghiên cứu ung thư Tích hợp, nhận định: “Đây không phải là một ý tưởng mới: Những gì mà COVID cho chúng ta thấy là vắc xin mRNA là một công nghệ hiệu quả và an toàn với hàng triệu người”.

Ung thư được biết đến là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới với tỉ lệ mắc mới tăng hàng năm. Trong năm 2020, theo dữ liệu của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới, đã có gần 10 triệu người chết vì căn bệnh này. Lí do ung thư có thể phát triển là chúng có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch. Ông John Cooke – Giám đốc y tế của Trung tâm trị liệu RNA tại Houston Methodist, Texas, Mỹ chia sẻ: “Điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện với vắc xin mRNA đó là cảnh báo hệ thống miễn dịch về khối u để hệ miễn dịch có thể tấn công chúng – về cơ bản, đây chính là phần mềm sinh học”. Các loại vắc xin này đang được phát triển để chống lại các bệnh ung thư ở những nơi khó điều trị hoặc những nơi ung thư có khả năng di căn cao.

Hiện nay, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đang tìm kiếm các ứng viên tham gia để tiến hành đánh giá hiệu quả, khả năng dung nạp cũng như độ an toàn của vắc xin mRNA trong việc điều trị các dạng ung thư khác nhau, bao gồm các khối u ác tính, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tụy, v.v.

“Một trong những ưu điểm của công nghệ này là có thể được ứng dụng cho những người không biết về loại ung thư mà họ mắc phải – tức là không quan trọng đó là ung thư vú hay ung thư phổi, miễn là bạn có thể xác định được các đột biến của nó.” – Ông Van Morris, phó giáo sư về ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư MD Anderson tại Texas, Houston cho biết. Ông là người dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, khám phá việc sử dụng vắc xin mRNA cá nhân hóa đối với từng bệnh nhân trong ung thư đại trực tràng giai đoạn 2 và giai đoạn 3.

2. Vắc xin cá nhân hóa

Ông David Braun, bác sĩ kiêm nhà khoa học tại Viện Ung thư Dana – Farber, thuộc trường Đại học Harvard cho biết: “Điều khác biệt ở bệnh ung thư là hầu hết những sự thay đổi xuất hiện ở từng bệnh bệnh nhân ung thư là duy nhất. Rất ít biến đổi đó thực sự giống nhau ở các bệnh nhân”. Điều này có nghĩa là vắc xin cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân, hay còn được gọi là cá nhân hóa.

Ông Bauman, trưởng khoa huyết học, ung thư tại Đại học UA Medicine – Tucson giải thích: “Với phương pháp cá nhân hóa, một mẫu mô được lấy từ khối u của bệnh nhân và DNA của họ được phân tích để xác định các đột biến giúp phân biệt tế bào ung thư với tế bào khỏe mạnh bình thường”. Máy tính so sánh hai mẫu DNA để xác định các đột biến duy nhất trong khối u, sau đó kết quả được sử dụng để thiết kế một phân tử mRNA sẽ đi vào vắc xin. Việc này thường được hoàn thành trong vòng 04 – 08 tuần.

Ngay sau khi vắc xin mRNA được đưa vào cơ thể bệnh nhân, mRNA sẽ thông báo với các tế bào sản sinh ra các protein có liên quan đến các đột biến cụ thể trên khối u. Các mảnh protein trên khối u được tạo ra từ mRNA sau đó được hệ thống miễn dịch của bệnh nhân nhận ra. Về cơ bản, mRNA hướng dẫn tế bào T của hệ thống miễn dịch – Các tế bào bạch cầu giúp chúng ta chống lại vi rút – để nhận ra 20 đột biến trong tế bào ung thư và chỉ tấn công những đột biến đó. Hệ thống miễn dịch rà soát cơ thể theo nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào khối u tương tự.

3. Vắc xin ung thư mRNA và thách thức

Mặc dù đây là phương thức điều trị ung thư đầy hứa hẹn, nhưng có thể kết quả sẽ khác so với thành công tức thì của vắc xin COVID-19. Bởi vắc xin ung thư mRNA sẽ không khả dụng với tốc độ kỉ lục như vắc xin Covid-19 theo ủy quyền sử dụng khẩn cấp bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Vắc xin ung thư sẽ cần nhiều năm kiểm tra và thử nghiệm lâm sàng.

Một lí do giải thích cho sự khác biệt về thời gian phát triển của vắc xin Covid-19 mRNA so với vắc xin ung thư mRNA bắt nguồn từ mục tiêu điều trị. Với vắc xin mRNA hiện tại nhằm mục đích ngăn ngừa Covid-19: Chúng được thiết kế nhằm bảo vệ con người khỏi vi rút bằng cách cung cấp mẫu mô phỏng protein gai đặc biệt của coronavirus (được tìm thấy trên bề mặt vi rút gây ra bệnh Covid-19), để nếu gặp vi rút thật, hệ thống miễn dịch của con người có thể chống lại nó. Ngược lại, vắc xin ung thư mRNA là liệu pháp: Chúng được đưa vào bệnh nhân để hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào khối u hiện có.

vaccine mRNA

Đồ hoạ về hoạt động của vaccine mRNA phòng ngừa Covid-19. Nguồn: CDC Hoa Kỳ

Một thách thức khác với vắc xin mRNA đó là tìm ra cách chế tạo một hạt nano có thể đưa RNA thông tin một cách hiệu quả đến nơi cần đến. Nếu như không được bảo vệ, RNA thông tin sẽ không đi vào tế bào và sẽ nhanh chóng bị phân hủy khi đưa chúng vào cơ thể. Chúng ta có thể bảo vệ và đưa RNA thông tin vào bên trong tế bào bằng cách bọc nó trong một hạt nano giống lipid. Bằng cách này, các hạt nano có thể trốn tránh cơ chế thanh thải của cơ thể và đi vào đúng tế bào.

(Hiện nay, các hạt nano dựa trên lipid là hệ thống phân phối phổ biến nhất được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin mRNA để điều trị ung thư.)

Tuy nhiên, ngay cả với hệ thống phân phối tối ưu, vắc xin mRNA không có khả năng sẽ là thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các loại ung thư. Nhưng chúng là một công cụ đầy hứa hẹn để điều trị các bệnh ung thư tiến triển hoặc không thể chữa khỏi. Các nhà nghiên cứu đang khám phá liệu vắc xin mRNA có thể được kết hợp với các liệu pháp miễn dịch khác không, chẳng hạn như chất ức chế điểm kiểm soát hay liệu pháp tế bào T áp dụng.

4. Hi vọng về vắc xin điều trị ung thư mRNA trong tương lai

Trong khi đó, một số phát hiện đầy hứa hẹn đang xuất hiện từ các nghiên cứu trên động vật. Theo một nghiên cứu trên chí Molecular Therapy, phát hành năm 2018, các nhà nghiên cứu đã chế tạo ra vắc xin mRNA được kết hợp với kháng thể đơn dòng (kháng thể tổng hợp được tạo ra trong phòng thí nghiệm) để tăng cường lợi ích chống khối u trong điều trị ung thư vú thể ba âm tính (vốn được biết đến là tỉ lệ di căn cao và tiên lượng xấu). Họ phát hiện ra rằng những con chuột được điều trị bằng liệu pháp kết hợp có phản ứng miễn dịch chống khối u được tăng cường đáng kể so với những con chuột chỉ được tiêm vắc xin hoặc chỉ dùng kháng thể đơn dòng. Và một nghiên cứu trên tạp chí ACS Nano năm 2019 đã phát hiện ra rằng khi những con chuột bị ung thư hạch (ung thư hệ bạch huyết) khi được điều trị bởi vắc xin mRNA cùng với thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, chúng có thể giảm được sự phát triển của khối u một cách đáng kể và 40% trong số chúng đã thoái triển khối u.

Trong trường hợp vắc xin mRNA được chứng minh là có hiệu quả, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu hi vọng rằng chúng sẽ tiếp tục được nghiên cứu phát triển để điều trị một số bệnh ung thư nhất định, ngăn ngừa tái phát và thậm chí có khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư ảnh hưởng bởi di truyền. Nếu vắc xin dự phòng ung thư có hiệu quả, chúng có thể biến ung thư thành một căn bệnh có thể phòng ngừa được.

Một số chuyên gia nhận định rằng có khả năng chúng ta sẽ thấy một loại vắc xin điều trị ung thư mRNA được Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt trong vòng 05 năm tới đây. Nếu như chúng ta có thể tận dụng được khả năng của hệ thống miễn dịch để loại bỏ được chính xác những tế bào ngoại lai như ung thư thì quả là một bước tiến lớn trong y học.

Xem thêm:

AminoIndex – Phương pháp tầm soát ung thư tiên tiến nhất hiện nay

Hiệu quả điều trị ung thư tại Nhật Bản: Trước và sau như thế nào?

Khám bệnh từ xa với các chuyên gia y tế quốc tế

 

Nếu bạn đọc có nhu cầu hỗ trợ thêm về dịch vụ Ý kiến y tế thứ 2 – tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế quốc tế hoặc tìm hiểu về các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến tại Tập đoàn IMS – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản, xin vui lòng liên hệ:

IIMS Việt Nam – Công ty TNHH Hỗ trợ y tế quốc tế IMS Việt Nam, thành viên tập đoàn IMS – Một trong những tập đoàn y tế hàng đầu tại Nhật Bản:

Ngoài ra, bạn đọc có thể nhấn nút Quan tâm hoặc chat với Zalo IIMS Việt Nam để cập nhật thêm các thông tin hữu ích bằng cách quét mã code QR sau:

Zalo iims vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *