Làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không?

Tin mới 24/07/2021 21:57:38. Views: 4,174.

Ung thư cho đến nay vẫn là một căn bệnh nguy hiểm. Theo dữ liệu thống kê của Globocan – Một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agence on Cancer Research – IACR) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), năm 2020, số ca mắc mới và tử vong vì căn bệnh này trên toàn thế giới có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, năm vừa qua, ước tính có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong vì ung thư. Bệnh nếu được phát hiện sớm, hầu như đều có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát được lâu dài. Vậy làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không? Cùng tìm hiểu với IIMS Việt Nam về điều này nhé.

Làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không?

Làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không?

1. Làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không?

Theo các chuyên gia y tế, tầm soát (sàng lọc) ung thư định kỳ là phương pháp duy nhất giúp người bệnh phát hiện ung thư sớm.

Ung thư xuất hiện khi các tế bào của cơ thể nhân lên và phát triển một cách mất kiểm soát, có khả năng xâm nhập và phá hủy các mô bình thường khác. Bệnh được xếp vào nhóm có tỷ lệ tử vong cao. Theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người tăng 7 bậc so với năm 2018. Đây là một con số đáng báo động.

Sở dĩ, tỷ lệ tử vong cao chủ yếu do bệnh được phát hiện quá muộn. Bệnh nhân thường đi khám khi có các biểu hiện, triệu chứng. Lúc này, phần lớn bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên rất khó khăn, tốn kém mà tỷ lệ thành công không cao. Do đó, tầm soát ung thư định kỳ có vai trò vô cùng quan trọng.

Tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp kiểm tra xem có bị ung thư không và phát hiện ung thư ngay từ những giai đoạn đầu khi mà cơ thể chưa có biểu hiện, triệu chứng nào. Từ đó, bác sĩ sẽ có những phương pháp phù hợp, giúp tăng khả năng điều trị thành công và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Hơn nữa, tầm soát ung thư cũng có thể giúp bạn đánh giá nguy cơ xuất hiện ung thư trong tương lai, từ đó giúp bạn có những phương pháp phòng ngừa hiệu quả.

Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không?

Tầm soát ung thư định kỳ

Tầm soát ung thư định kỳ là phương pháp duy nhất giúp phát hiện ung thư sớm

2. Cách phát hiện ung thư đối với 5 loại ung thư phổ biến

Mỗi loại ung thư khác nhau sẽ có những dấu hiệu cũng như cách phát hiện, kiểm tra xem có bị ung thư không đặc trưng riêng. Dưới đây là thông tin chi tiết của một số loại ung thư phổ biến, bạn đọc có thể tham khảo.

2.1. Ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm ở nữ giới với tỷ lệ tử vong tương đối cao. Các dấu hiệu cảnh báo căn bệnh này bao gồm: Thay đổi hình dạng và kích thước của vú, cảm giác đau ở ngực hoặc vú, sưng hay sờ thấy có khối u ở nách, v.v.

Tùy thuộc vào nhóm nguy cơ mà sẽ có các chỉ định sàng lọc khác nhau:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ thực hiện kiểm tra, sờ, nắn để phát hiện những bất thường tại vú, nách hoặc các vị trí khác mà người bệnh không phát hiện ra khi tự khám.

Chụp X – quang tuyến vú

Phương pháp này cho phép quan sát được những bất thường về hình ảnh tuyến vú ở giai đoạn rất sớm, kể cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

Siêu âm

Đây là một phương pháp hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin cho kết quả X – quang, nhất là ở những bệnh nhân có mật độ tuyến vú lớn. Ngoài ra, thủ thuật này còn có thể đánh giá tình trạng hạch nách, giúp phân biệt nang tuyến vú với các tổn thương dạng đặc tại vú.

Ung thư vú

Ung thư vú là bệnh lý nguy hiểm, phổ biến ở nữ giới

2.2. Ung thư gan

Ung thư gan thường phát triển trong âm thầm, triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh rất nghèo nàn và đều bị bỏ qua hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Hãy lưu ý kiểm tra khi bạn có những biểu hiện như sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, mệt mỏi, đau tức bụng, vàng da, vàng mắt, rối loạn tiêu hóa, v.v.

Các phương pháp tầm soát ung thư gan bao gồm:

Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh người bệnh có thể thực hiện như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể đánh giá mức độ tổn thương gan, xác định vị trí, kích thước, hình dáng của khối u gan (nếu có), v.v.

Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư gan

Các chất chỉ điểm ung thư gan thường được sử dụng là AFP, AFP – L3 và PIVKA II. Xét nghiệm tìm chất chỉ điểm ung thư có vai trò gợi ý và định hướng, thường được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để có kết luận chính xác hơn. Ngoài ra, xét nghiệm này còn được sử dụng để theo dõi và đánh giá quá trình điều trị.

Sinh thiết

Mặc dù là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh nhưng thủ thuật chỉ nên thực hiện khi thực sự cần thiết bởi có những rủi ro nhất định như chảy máu, nhiễm trùng hoặc lây nhiễm tế bào ung thư tới các vị trí khác.

Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư gan

Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư gan

AFP là chất chỉ điểm ung thư thường được sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc ung thư gan

2.3. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa hay gặp nhất. Hàng năm có khoảng 600.000 – 700.000 ca ung thư dạ dày mới được phát hiện trên thế giới. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đau bụng dữ dội và không thuyên giảm khi đã dùng thuốc; khó tiêu, chán ăn kèm theo buồn nôn, nôn; đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu; sụt cân không rõ nguyên nhân; v.v.

Các phương pháp sàng lọc thường được thực hiện là:

Nội soi dạ dày

Đây là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc bên trong của dạ dày để phát hiện những tổn thương. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao được khuyến cáo nên thực hiện nội soi dạ dày sớm và định kỳ.

Sinh thiết dạ dày

Kỹ thuật này sẽ được thực hiện trong quá trình nội soi khi bác sĩ phát hiện những bất thường có nghi ngờ. Mẫu mô, tế bào sẽ được lấy tại vị trí có tổn thương sau đó thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm vi khuẩn HP, tế bào ung thư, v.v.

Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư dạ dày

2.4. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư đường sinh dục thường gặp ở phụ nữ. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có hoặc ít triệu chứng đặc hiệu. Các dấu hiệu thường chỉ rõ ràng khi ung thư đã phát triển và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Những triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung như: cơn đau bất thường vùng chậu, chảy máu không rõ nguyên nhân vùng âm đạo, dịch âm đạo có màu bất thường, v.v.

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung

Các phương pháp xét nghiệm chính được sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung gồm:

Xét nghiệm Pap smear

Bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào cổ tử cung rồi phết lên lam kính mỏng, xử lý nhuộm màu và kiểm tra dưới kính hiển vi. Nhờ độ phóng đại lớn, bác sĩ có thể biết được có hay không tế bào ung thư hoặc tế bào nhiễm virus HPV.

Xét nghiệm Thinprep

Đây là xét nghiệm cải tiến của xét nghiệm Pap smear. Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được cho vào chất lỏng cố định, sau đó chuyển đến phòng thí nghiệm làm tiêu bản tự động. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra và giảm tỷ lệ âm tính giả, từ đó cải thiện hiệu quả tầm soát ung thư.

Xét nghiệm Cobas test

Xét nghiệm Cobas test là một dạng xét nghiệm HPV tiên tiến giúp tầm soát sớm ung thư cổ tử cung. Chỉ một mẫu bệnh phẩm có thể xác định người bệnh có nhiễm 2 type HPV 16 và 18 – nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung phổ biến hay không. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp xác định được người bệnh có đồng thời nhiễm ít nhất 1 trong 12 type HPV nguy cơ cao còn lại không.

Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư cổ tử cung

2.5. Ung thư phổi

Ung thư phổi đứng vị trí đầu tiên trong số 10 loại ung thư phổ biến nhất ở cả 2 giới. Dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm thường rất ít và dễ bị nhầm lẫn. Hãy để ý nếu như bạn có các triệu chứng sau đây: Khó thở, ho kéo dài, có thể ho ra máu, đau ngực, khàn tiếng hoặc khò khè, v.v.

Ung thư phổi

Ho kéo dài, ho ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư phổi

Cũng như những bệnh ung thư khác, ung thư phổi có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm sàng lọc. Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện:

X – quang phổi

Đây là phương pháp dễ thực hiện giúp phát hiện được những khối u kích thước 1cm nếu có thông qua hình ảnh phổi thu được. Tuy nhiên, phương pháp này khá hạn chế với các tổn thương nhỏ vùng đỉnh phổi, khu vực trung tâm rốn phổi, vùng trung thất, sau bóng tim hay lấp sau xương sườn thường khó đánh giá và dễ bỏ sót tổn thương.

Sinh thiết

Mẫu mô tế bào phổi được lấy từ vị trí tổn thương khi nội soi khí phế quản hoặc qua quá trình sinh thiết xuyên thành ngực sẽ được đem đi xét nghiệm để xác định có phải tế bào ung thư hay không. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư phổi.

Chọc hút dịch màng phổi, màng tim

Thay vì sinh thiết mô, các bác sĩ có thể tiến hành chọc dò dịch màng phổi hoặc màng tim để kiểm tra, phân tích để xác định có ung thư hay không, nguồn gốc của khối u có phải là phổi hay không.

Xét nghiệm máu tìm các chất chỉ điểm ung thư

Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm máu để tìm các chất chỉ điểm ung thư SCC, CEA, Cyfra 21-1, ProGRP, NSE. Các xét nghiệm này đóng vai trò tham chiếu định hướng, gợi ý đến ung thư phổi.

Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư phổi

3. Phát hiện ung thư sớm có chữa được không?

Phát hiện ung thư sớm có chữa được không

Phát hiện ung thư sớm giúp tăng tỷ lệ điều trị tận gốc cho bệnh nhân

Phần lớn các bệnh ung thư có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật nếu được phát hiện sớm, khi khối u còn khu trú, chưa di căn tới các bộ phận khác. Thậm chí, ở giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần loại bỏ khối u mà không cần sử dụng thêm các phương pháp hỗ trợ khác như xạ trị, hóa trị, v.v. Điều này giúp người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị, hạn chế được tác dụng phụ và biến chứng, không ảnh hưởng tới diện mạo và có thể bảo toàn được khả năng sinh sản, v.v.

Đối với bệnh nhân ung thư, nếu sau 5 năm điều trị mà bệnh không tái phát thì được xem là đã chữa khỏi. Một điều rõ ràng là tỷ lệ điều trị thành công cũng như tiên lượng của các bệnh nhân ung thư phụ thuộc rất lớn vào thời gian phát hiện bệnh. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi là rất cao.

Thống kê, tỷ lệ chữa khỏi của một số loại ung thư thường gặp:

  • Ung thư đại tràng: Khoảng 80% – 90% bệnh nhân ung thư đại tràng có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
  • Ung thư cổ tử cung: Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn 0 là 92 – 95%, giai đoạn 1 là 80 – 90% và giảm dần ở các giai đoạn sau. Ở giai đoạn muộn, khả năng điều trị khỏi chỉ còn 15%.
  • Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn, cơ hội sống chỉ còn 6%.
  • Ung thư phổi: Ung thư phổi được xem là bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi sau chẩn đoán sẽ sống ít nhất 1 năm, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Trong khi cơ hội này chỉ còn 14% đối với giai đoạn muộn.
Tỉ lệ sống sót sau 5 năm của một số loại ung thư

Tỉ lệ sống sót sau 5 năm của một số loại ung thư

4. Xét nghiệm gen ung thư CANTECT và tầm soát ung thư AminoIndex có thể sớm phát hiện bệnh

Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp, kỹ thuật, máy móc hiện đại, tiên tiến đã ra đời giúp chẩn đoán và điều trị thành công nhiều bệnh lý hiểm nghèo, tiên lượng kém. Đối với ung thư, trong bài viết này IIMS Việt Nam muốn giới thiệu 2 phương pháp tầm soát ung thư hiện đại, hiệu quả nhất, tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đó là xét nghiệm gen ung thư CANTECT và xét nghiệm AminoIndex.

4.1. Xét nghiệm gen ung thư CANTECT

Sự tác động của môi trường ô nhiễm như khói bụi, tia cực tím cùng thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như rượu bia, hút thuốc lá có thể gây ra tổn thương gen, từ đó tạo ra các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát – bệnh lý ung thư.

Xét nghiệm ung thư CANTECT – Cancer Risk Detection là xét nghiệm, phân tích các gen có liên quan tới ung thư (khoảng 47 gen hay gặp), từ đó có thể đánh giá nguy cơ xuất hiện ung thư ở giai đoạn siêu sớm cũng như nguy cơ tái phát ung thư ở những người đã điều trị thành công. Không chỉ vậy, xét nghiệm này có thể đánh giá hiệu quả điều trị ung thư dựa trên sự thay đổi của các chỉ số.

CANTECT được thực hiện đơn giản thông qua việc lấy máu và có thể đánh giá được nguy cơ ung thư từ rất sớm. Điều mà các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh lâu nay không thể phát hiện được. Từ khi phát hiện có bất thường bằng cantect đến khi hình thành khối u 1 – 2mm là khoảng 5 – 20 năm. Người bệnh hoàn toàn có thể thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt và tập luyện để phòng ngừa cũng như kéo dài thời gian tiến triển thành ung thư thực sự.

Xét nghiệm ung thư CANTECT

Xét nghiệm ung thư CANTECT – Cancer Risk Detection

4.2. Xét nghiệm AminoIndex

Xét nghiệm aminoindex là một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay giúp sàng lọc sớm nhiều loại ung thư với độ chính xác cao, nâng cao tỷ lệ điều trị thành công. Đây là phương pháp tầm soát ung thư tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản. Phương pháp này có khả năng đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư cùng một số bệnh liên quan đến tim – não, tiểu đường, gan nhiễm mỡ dựa trên độ cân bằng của nồng độ axit amin trong máu của bạn thông qua một lần lấy máu xét nghiệm.

Trong khi các kĩ thuật thông thường như chẩn đoán hình ảnh chỉ có thể thực hiện khi khối u đã phát triển hay chỉ có thể kiểm tra một loại ung thư trong một quy trình sàng lọc thì AminoIndex có thể khắc phục được những hạn chế này.

Với thao tác đơn giản, chỉ cần 5mL mẫu máu duy nhất, phương pháp AminoIndex có thể kiểm tra đồng thời nhiều loại ung thư phổ biến như ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư tụy, ung thư vú, tử cung, buồng trứng, v.v. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn cho phép đánh giá nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường trong tương lai.

Xét nghiệm AminoIndex

Xét nghiệm AminoIndex

Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn đọc đã trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để kiểm tra xem có bị ung thư không?” cũng như hiểu hơn về 2 phương pháp tầm soát ung thư hiệu quả vượt trội của Nhật Bản.

Tầm soát ung thư sớm là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu bạn muốn thực hiện xét nghiệm CANTECT và tầm soát ung thư AminoIndex tại Nhật Bản hoặc có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn hãy liên hệ với IIMS Việt Nam để được hỗ trợ tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *